Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán (Tập 14)

Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán (Tập 14)
Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi! Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hòan Nguyên Quán, tờ thứ tư, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ thứ hai: Nhị “Tự hạ y thể khởi nhị dụng giả, vị y tiền tịnh thể khởi ư nhị dụng. Nhất giả hải ấn sâm la thường trụ dụng, ngôn hải ấn giả, chân như bổn giác dã, vọng tận tâm trừng, vạn tượng tề hiện, du như đại hải nhân phong khởi lãng, nhược phong chỉ tức hải thuỷ trừng thanh vô tượng bất hiện”. Phía trước chúng ta học qua đoạn thứ nhất “hiển nhất thể”. Cái nhất thể này chính là Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể. Tánh thể của tự tánh là thật, ngoài chỗ này ra đều không phải là thật. Trong Phật pháp nói thật nói giả, tiêu chuẩn của nó rất rõ ràng, rất tường tận. Vĩnh hằng bất biến, bất sanh bất diệt đó là thật. Có sanh có diệt, biến hoá vô thường, đó chẳng phải là thật, chính là giả. Trong thể phía trước chúng ta đã nói qua, nó không phải tinh thần, cũng không phải là vật chất, thế nhưng hiện tượng tinh thần cùng hiện tượng vật chất đều là từ nó biến hiện ra. Hiện tại khoa học gia cũng đã chứng thật điểm này. Khoa học gia cận đại nói với chúng ta, hiện tượng vật chất, vật chất không phải là thật, vật chất từ đâu mà có? Từ không

Các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi!

Mời xem Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hòan Nguyên Quán, tờ thứ tư, hàng thứ năm, bắt đầu xem từ thứ hai: Nhị “Tự hạ y thể khởi nhị dụng giả, vị y tiền tịnh thể khởi ư nhị dụng. Nhất giả hải ấn sâm la thường trụ dụng, ngôn hải ấn giả, chân như bổn giác dã, vọng tận tâm trừng, vạn tượng tề hiện, du như đại hải nhân phong khởi lãng, nhược phong chỉ tức hải thuỷ trừng thanh vô tượng bất hiện”.

Phía trước chúng ta học qua đoạn thứ nhất “hiển nhất thể”. Cái nhất thể này chính là Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể. Tánh thể của tự tánh là thật, ngoài chỗ này ra đều không phải là thật. Trong Phật pháp nói thật nói giả, tiêu chuẩn của nó rất rõ ràng, rất tường tận. Vĩnh hằng bất biến, bất sanh bất diệt đó là thật. Có sanh có diệt, biến hoá vô thường, đó chẳng phải là thật, chính là giả. Trong thể phía trước chúng ta đã nói qua, nó không phải tinh thần, cũng không phải là vật chất, thế nhưng hiện tượng tinh thần cùng hiện tượng vật chất đều là từ nó biến hiện ra. Hiện tại khoa học gia cũng đã chứng thật điểm này. Khoa học gia cận đại nói với chúng ta, hiện tượng vật chất, vật chất không phải là thật, vật chất từ đâu mà có? Từ không sanh có. Cái phát hiện này rất gần với trên Phật kinh đã nói. Nó làm sao mà sanh? Nguyên nhân nào sanh ra? Ở trên kinh Phật nói với chúng ta, ngay chỗ này “y thể”, thể là không; “khởi nhị dụng”, nhị dụng chính là y báo cùng chánh báo.

Y báo là chúng ta dựa vào hoàn cảnh sinh tồn. Từ cái nhỏ nhất mà nói, chúng ta mặc trên người một bộ quần áo, đó là y báo của chúng ta. Mở rộng ra bên ngoài, chúng ta có y báo của nhân sự. Chỗ này các vị phải biết cho rõ ràng, nói đến chánh báo là nói chính mình, ngoài chính mình ra đều là y báo của chúng ta, y báo cũng chính là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, ngoài tự thân ra thảy đều là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta. Trong hoàn cảnh sinh hoạt có hoàn cảnh nhân sự, thân thiết nhất là cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái, đều là hoàn cảnh nhân sự trong y báo của chúng ta. Nếu mở rộng ra nữa, mở rộng ra cả nhân loại, thậm chí mở rộng bao gồm tất cả động vật, đều là hoàn cảnh nhân sự của chúng ta. Ngoài cái này ra, trong hoàn cảnh sinh hoạt y báo của chúng ta, có thực vật, hoa cỏ cây cối, có khoáng vật, sơn hà đại địa, lại mở rộng đến các vì sao, hệ tinh cầu, ở trong vũ trụ vô lượng vô biên, bao gồm cả thời gian cùng không gian đều là hoàn cảnh y báo của chúng ta. Y báo từ nơi đâu mà có? Trong đoạn văn này muốn nói với chúng ta nguồn gốc của y báo, cũng chính là nguồn gốc của vũ trụ. Chúng ta phải ghi nhớ, Phật ở trong đại kinh nói với chúng ta, y báo chánh báo này, y báo chủ yếu nói hoàn cảnh vật chất, chánh báo nói hoàn cảnh tinh thần, từ nơi đâu mà có? “Một niệm bất giác mà có vô minh”, chính từ một niệm bất giác mà biến hiện ra. Niệm chính là khởi tâm động niệm, cho nên trong đại thừa giáo thường nói “tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Cái tất cả pháp này chính là y báo cùng chánh báo, trong đó không có số lượng. Trong Phật pháp dùng hình để nói, vô lượng vô biên, vô số vô tận, cái ý này đến phần sau đoạn thứ ba có nói rõ tỉ mỉ hơn.

Một niệm bất giác này thật không dễ hiểu, phía trước chúng ta đã từng nói qua, Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể không sanh không diệt, cho nên ở trong tất cả đại thừa giáo, trong cả thảy vũ trụ nó là bản thể, nó không có sanh diệt, cho nên nó không có sanh nhân, “phi sanh nhân chi sở sanh”. Nếu như trí tuệ Bát Nhã tự tánh hiện tiền, chúng ta có thể hiểu rõ được nó, nó liền chứng minh được bạn có thể chứng được cảnh giới của tự tánh. Trong cảnh giới của tự tánh không có danh từ, cũng không có hình tướng, trí tuệ có thể chứng được, nó đích thực là tồn tại, chỉ riêng nó không sanh không diệt, giống như Đại sư Huệ Năng đã nói, ngày nay chúng ta gọi là “khởi nhị dụng”, chính là câu nói sau cùng của Đại sư Huệ Năng: “năng sanh vạn pháp”. Khi không khởi tâm động niệm thì vạn pháp không sanh, vạn pháp không có. Vạn pháp không có nhưng cũng không thể nói nó không, cho nên nhà Phật gọi là ẩn hiện. Phía trước đã nói phiền não che thì ẩn, trí tuệ hiển lộ thì hiện, cái ẩn hiện này là đệ nhị nghĩa, không phải là đệ nhất nghĩa. Cái ý này rất sâu rất rộng, khi chưa khởi tác dụng, chính là Đại sư Huệ Năng đã nói ở câu thứ ba: “nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Đầy đủ cái gì? Đầy đủ y chánh trang nghiêm, thế nhưng nó không hiển. Hiển là do nguyên nhân gì? Chính là khởi lên một niệm. Một niệm này, thành thật mà nói, chúng ta cũng không hiểu. Chúng ta nghe câu nói này rồi hoặc giả xem thấy hai chữ “nhất niệm” này luôn là nghĩ đến chúng ta đã khởi lên ý niệm, có phải giải thích như vậy không? Không phải giải thích như vậy. Chúng ta khởi lên ý niệm, hiện tướng của ý niệm này quá thô. Phật nói cái niệm này, “một niệm bất giác”, một niệm này thì cực kỳ vi tế. Khoa học gia hiện tại nói, cái hiện tượng này vì sao mà có? Cách nói mới là hiện tượng sóng động, chỗ này nói được rất tương ưng với kinh Phật. Cái sóng động này là sóng động rất vi tế, chúng ta có thể phát hiện được không? Không thể! Tâm của ta quá thô, loại vi tế này không thể quan sát được, phải có thiền định rất sâu.

Chúng sanh trong sáu cõi có tu định, người tu định không ít, rõ ràng nhất chúng ta thấy cõi trời. Cõi trời có trời dục giới, trời dục giới tầng thứ ba trở lên thì tu định. Nếu như không có tu định, chỉ nhờ thiện đức, tu thiện tích đức, quả báo của họ cao nhất chỉ có thể đến trời Đao Lợi, người Trung Quốc chúng ta thường gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, dục giới tầng trời thứ hai. Dục giới có sáu tầng, từ tầng thứ ba trở lên thì có tu định. Cái định này sức định không đủ, thông thường chúng ta gọi là chưa đến định. Cũng giống như hiện tại đi học, cái khoá trình này đã học rồi, thế nhưng không đủ điểm. Nếu như tính điểm 60% mà nói, e rằng họ chỉ có được 20%, còn kém rất xa, thế nhưng có được chút sức định này, họ liền ở trên cung trời Đao Lợi, họ đi đến tầng thứ ba, trời Dạ Ma. Sức định sâu hơn chút nữa thì đi đến trời Đâu Suất. Chúng ta biết Bồ-tát Di Lặc ở ngay trời Đâu Suất, trời Đâu Suất là cõi phàm thánh đồng cư, cho nên nó có nội viện cùng ngoại viện. Ngoại viện là phàm phu, chính là tu định chưa thành tựu, thế nhưng sức định của họ cao hơn so với sức định của trời Dạ Ma. Bồ-tát Di Lặc ở nội viện. Nội viện là đạo tràng của Bồ-tát, chúng sanh trong cõi trời Đâu Suất cũng không thấy được Bồ-tát Di Lặc, giống như thế gian này của chúng ta vậy. Nhân gian chúng ta là cõi phàm thánh đồng cư, có Bồ-tát, A La Hán ở nơi đây với chúng ta hay không? Có! Người thông thường chúng ta không thấy được, trừ khi người có nhân duyên đặc thù, họ ngẫu nhiên gặp được. Nếu sức định được sâu hơn thì sanh đến tầng trời thứ năm, trời Hoá Thiên. Lại hướng lên trên đi, là trời Tha Hoá Tự Tại, sức định đều chưa đủ, trời Hoá Lạc còn kém hơn một chút. Nếu như tu được định rồi, thì họ không ở Dục giới, đi đến nơi nào vậy? Đến trời Sắc giới. Trời Sắc giới có thân thể, nhưng không có dục. Dục là nói cái gì vậy? Tài sắc danh thực thùy, năm cái dục này trong cõi trời Dục giới có. Càng hướng lên trên thì càng tan nhạt, đến sơ thiền trở lên thì không còn, sức định của họ rất sâu, có thể khống chế ngũ dục thất tình, những tập khí này không khởi hiện hành, nó tuy là chưa đoạn, thế nhưng đã bị khống chế, không khởi tác dụng.

Thế gian có không ít người chúng ta gọi họ là học giả, chuyên gia, họ ước vọng bình đẳng, hoà bình, dân chủ, ở thế gian này của chúng ta chân thật có thể làm đến được hay không? Xin nói với các vị, không thể làm được, vì sao vậy? Chỉ cần bạn có dục vọng, chỉ cần bạn chấp trước cái thân là ta, bạn có ý niệm tự tư tự lợi, thì bạn không thể làm được. Vì sao vậy? Không bình đẳng, không tự do, bạn ở trong sáu cõi bị nghiệp lực xoay chuyển. Chân thật nói đến có được chút bình đẳng tự do, cái hình tượng đó, mức thấp nhất là ở cõi trời Sắc giới, họ không có dục vọng, chân thật như đại đức xưa thường hay nói hai câu “không tranh với người, không mong với đời”,  thế giới đại đồng, mức thấp nhất là ở cõi trời Sắc giới, người người không có dục vọng. Trời Sắc giới có tứ thiền, 18 tầng trời. Sơ thiền ba tầng, nhị thiền ba tầng, tam thiền ba tầng, tứ thiền có chín tầng, rất đặc thù. Tứ thiền cũng là cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Có thể nói, chân thật tự do bình đẳng vẫn là ở trên tứ thiền, đến nơi nào vậy? Cõi Vô Sắc Giới, vậy thì thật bình đẳng. Trong trời tứ thiền không có dục vọng, họ có sắc thân, phước báo còn có lớn nhỏ không như nhau, hiển thị ở nơi nào vậy? Hiển thị nơi cung điện của họ ở, vẻ đẹp của sắc thân không giống nhau, vẫn là không bình đẳng, nhưng so với dục giới mà nói thì nó bình đẳng. Đến lúc nào thì mới thật được bình đẳng? Đến Vô Sắc Giới. Vô Sắc Giới là gì? Thông thường chúng ta nói chỉ có linh tánh tồn tại, người Trung Quốc gọi là linh hồn, người ngoại quốc cũng có cách nói như vậy, chỉ có linh hồn tồn tại, không có thân thể vật chất. Bởi vì họ không có thân thể họ cũng không cần phải có cung điện, vậy mới có được bình đẳng chân thật. Nhưng trình độ sức định của họ cũng không như nhau, dù họ không có sắc thân, hiển thị ở đâu vậy? Hiển thị ở thọ mạng dài ngắn không như nhau, cho nên nó có bốn tầng. Những sự thật hiện tượng này chúng ta không thể không tường tận. Sau khi chân thật hiểu rõ rồi mới biết được, trong Dục giới tuyệt đối sẽ không có bình đẳng, vì sao vậy? Tạo nghiệp không như nhau thì làm sao có thể có được bình đẳng? Nhân gian giàu nghèo không bình đẳng, bạn không thể miễn cưỡng họ bình đẳng. Phước trong đời quá khứ họ tu được, nếu tu được nhiều thì ngay đời này họ được phước báo lớn, người kia tu phước rất ít thì họ có được phước báo rất nhỏ, thì hai người đó làm sao có thể bình đẳng? Thật không thể bình đẳng được, cho nên tướng mạo không giống nhau, thể chất không như nhau, hoàn cảnh đời sống không như nhau, cũng đồng có được thân người, dẫn nghiệp giống nhau, nhưng mãn nghiệp không như nhau. Những đạo lý này thảy đều làm cho rõ ràng tường tận rồi, chúng ta làm người liền sẽ không có vọng niệm, sẽ không oán trời trách người. Xem thấy người phú quý, chúng ta không được như họ, biết được ngay trong đời quá khứ họ đã tu phước không tệ, tu được tốt, ta không có tu, ta không thể sánh được với họ. Tâm bình khí hoà. Ta phải làm thế nào mới có thể có được phước báo? Phải nên đoạn ác tu thiện. Người thế gian mong cầu không ngoài ba sự việc này, thứ nhất là tiền của, thứ hai là thông minh trí tuệ, thứ ba là khoẻ mạnh sống lâu. Phật nói cho chúng ta nghe rất rõ ràng, nó có nhân, có sanh nhân. Nhân là gì? Nhân là đoạn ác tu thiện, nhân là bố thí.

Cái gì là ác? Tham lam là ác, bỏn xẻn là ác, tạo tác chủng chủng bất thiện là ác. Cái ác này có tiêu chuẩn, nhà Phật nói ra rất đơn giản, đã nói mười điều: sát sanh là ác, trộm cắp là ác, tà dâm là ác, vọng ngữ là ác, hai lưỡi là ác, thêu dệt là ác, ác khẩu là ác, tham-sân-si là ác. Có thể đoạn dứt những cái ác này, nỗ lực tu mười nghiệp thiện.

Trái ngược lại với mười ác chính là mười thiện, cụ thể dạy bảo chúng ta tu tài bố thí. Tài là tiền của, chúng ta có, người khác thì thiếu kém, phải cung cấp cho những người thiếu kém đó. Tài có nội tài, có ngoại tài. Ngoại tài là vật ngoài thân, bằng lòng giúp đỡ người cần giúp. Nội tài là thân thể, là trí tuệ. Chúng ta thường hay nói, vì người khác làm công tác nghĩa vụ, ta giúp đỡ người khác không cần phải dùng tiền, đó là gì? Đó là dùng nội tài bố thí. Nội tài bố thí, quả báo có được siêu việt hơn ngoại tài, bởi vì ngoại tài dễ làm, vật ngoài thân. Chính mình dùng thời gian của chính mình, dùng thể lực của chính mình lao động để phục vụ người khác, việc này khó hơn so với ngoại tài, cho nên quả báo của ta sẽ rất thù thắng. Đây đều thuộc về tài bố thí. Tài bố thí được quả báo tiền của. Ngay trong đời này xem thấy có rất nhiều người phát tài to, từ đâu mà có? Cha mẹ là phú ông kinh doanh rất giỏi, sau khi qua đời thì họ nắm được tài sản? Không phải vậy. Bạn tỉ mỉ mà quan sát, người được tài sản của người trước rất nhiều, có người ba năm đến năm năm thì tiêu hao hết, cả đời trải qua đời sống bần cùng nghèo khổ, trong mạng không có. Cha mẹ cho chúng, chúng không chịu giữ; cha mẹ chúng kinh doanh kiếm ra tiền, chúng kinh doanh buôn bán đều bị lỗ vốn, gặp phải vô số tai nạn, tiền của tiêu hao hết, cho nên cha mẹ tuy có lưu lại cho chúng, chính chúng trong mệnh phải có. Nếu không có mà nói, một chút hưởng dùng cũng không có. Những đạo lý này cổ thánh tiền hiền nói được rất rõ ràng.

Thông minh trí tuệ từ nơi đâu mà có? Do bố thí pháp mà ra. Pháp là gì? Bạn có năng lực, bạn có trí tuệ, có tài nghệ, chịu dạy người khác, ưa thích dạy người khác, đó thuộc về pháp bố thí. Người bố thí pháp thì quả báo của họ là được thông minh trí tuệ. Thế gian chúng ta có rất nhiều người thông minh trí tuệ, vì sao vậy? Họ có thông minh trí tuệ, ta không như họ. Chúng ta phải nên biết, trong đời quá khứ của họ tu thông minh trí tuệ, tu pháp bố thí nhiều, ta tu được ít, ta không tu được nhiều như họ, vậy làm sao như nhau chứ?

Lại nói đến khoẻ mạnh sống lâu. Khoẻ mạnh sống lâu là do bố thí vô uý. Người khác gặp khó khăn, cảm thấy lo sợ, thân tâm không an, bạn có thể giúp đỡ họ, làm cho họ lìa khỏi tất cả khủng bố, bạn đến bảo hộ họ, loại này thuộc về bố thí vô uý. Ở trong nhà Phật, các vị đều biết, người Trung Quốc học Phật ăn chay nhiều, phải nên biết ăn chay chính là bố thí vô uý. Không ăn thịt chúng sanh, những chúng sanh nhỏ này xem thấy bạn không lo sợ. Chỗ này cũng giống như người Trung Quốc chúng ta đã nói, tâm của bạn từ bi, từ trường của bạn liền từ bi, động vật nhỏ đi vào từ trường của bạn nó không cảm thấy sợ, nó không khiếp sợ, nó bằng lòng thân cận. Nếu như là một người đi săn, ngày ngày sát sanh, những động vật nhỏ xem thấy bạn thì sẽ mau chạy đi, tìm đường thoát thân. Bạn tuy là vô ý giết nó, trên thân bạn có sát khí, nó cảm thấy bất an, thân tâm không yên ổn, nó liền chạy đi. Bạn thấy ăn chay là bố thí vô uý. Người ta bị bệnh gặp phải khó khăn, chúng ta giúp đỡ họ, làm cho họ thân tâm yên ổn, đây đều thuộc về bố thí vô uý. Quả báo của bố thí vô uý là khoẻ mạnh sống lâu. Nếu như chúng ta giữ tâm bất thiện, thường hay tìm người khác gây phiền phức, làm cho người khác cảm thấy khiếp sợ, loại quả báo của việc làm như vậy chính là chết yểu, cũng chính là quả báo không khoẻ mạnh, họ nhiều bệnh, thân thể suy yếu, họ chịu loại quả báo này.

Cho nên giáo dục nhân quả là quan trọng! Nhân quả không phải là mê tín, nó là sự thật. Hiểu rõ sự thật này do đời quá khứ của ta bố thí tài cũng ít, bố thí pháp cũng ít, bố thí vô uý cũng ít, ngay trong đời này nghèo khổ, hơn nữa còn đoản mạng, thân thể lại không tốt, đó là chủ định rồi. Cái chủ định này không phải là thiên thần chủ định, không phải Diêm Vương chủ định, cũng không phải Phật Bồ-tát chủ định, cái gì chủ định? Hành nghiệp ngay trong đời quá khứ của bạn chủ định. Việc này là như vậy. Ngay trong đời này có thể bổ cứu hay không? Có thể! Ở Đài loan nhiều năm đến nay lưu thông  Liễu Phàm Tứ Huấn rất rộng, quyển sách nhỏ này chuyên môn nói cái đạo lý này, hơn nữa dạy người làm thế nào để bổ cứu.

Vào năm 1977, tôi lần đầu rời Đài Loan đến Hongkong giảng kinh. Lần đó tôi ở lại Hongkong bốn tháng, có thời gian hai tháng ở tại đường Cửu Long, Thư viện Phật giáo Trung Hoa. Thư viện này là do pháp sư Đàm Hư sáng lập, tôi đến nơi đó giảng kinh khi lão pháp sư đã vãng sanh rồi. Ở trong thư viện này, tôi xem thấy có rất nhiều kinh luận sách thiện của Hoằng Hoá Xã xuất bản, chúng tôi vừa xem thấy thì rất có nhân duyên, cái nhân duyên này từ do đâu mà có? Từ nơi lão sư Lý mà có. Các vị đều biết, tôi ở Đài Loan học kinh giáo với lão sư Lý mười năm, lão sư Lý học Tịnh Độ với Đại sư Ấn Quang, mà Hoằng Hoá Xã là do đại sư Ấn Quang sáng lập, cho nên chúng ta xem thấy Hoằng Hoá Xã thì liền nghĩ đến tổ sư. Lật xem những kinh luận sách thiện của đại sư Ấn quang in ấn, trong vô tình xem thấy được Liễu Phàm Tứ Huấn, An Sĩ Toàn Thư, Cảm Ứng Thiên Hội Biên. Tôi đặc biệt đề xướng ba loại này, bởi vì tôi có một phát hiện rất kinh ngạc, ba loại sách này số lượng ngài in ra rất nhiều, làm cho chúng ta cảm thấy rất lạ. Ấn tổ là người xuất gia, là cao tăng đại đức trong nhà Phật, kinh luận ấn tặng nhiều, thế nhưng số lượng của mỗi loại tuyệt nhiên không nhiều. Chúng ta thấy được ở nơi tờ bản quyền, một ngàn quyển, hai ngàn quyển, ba ngàn quyển, năm ngàn quyển thì rất ít, cho nên số lượng không nhiều, chủng loại thì không ít. Chỉ riêng ba loại sách này, khi lật xem thử số lượng thì thật là làm cho người rất khó hiểu, mỗi một bản chí ít cũng là năm ngàn bản, mười ngàn bản, hai chục ngàn bản, năm chục ngàn bản. Cách in của ngài là như vậy, in được bao nhiêu bản? Tôi vừa nhìn thì thấy mười mấy hai mươi loại, tôi liền thống kê sơ lượt qua ba loại sách này, có thể vượt qua hơn ba triệu bản. Trong lòng tôi liền nghĩ, Ấn tổ vì sao ngài đối với ba loại sách này in ra số lượng nhiều đến như vậy? Nghĩ không thông, cái nghi vấn này vẫn cứ để ở trong đầu. Trải qua hai ba tuần lễ sau, tôi liền hiểu ra, đại khái xã hội này phổ biến kém khuyết loại giáo dục này. Đây là giáo dục gì? Giáo dục luân lý, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân quả, cho nên tôi đem số sách này xem qua một lượt rất tỉ mỉ. Sau khi kết thúc giảng kinh ở Hongkong, trở lại Đài Loan, tôi liền mang mấy cuốn sách này theo. Sau khi mang về tôi cũng học theo Ấn tổ, mỗi một loại in năm mươi ngàn quyển, hơn nữa tôi còn giảng qua rất nhiều lần. Nó thật là hiệu dụng!

Cái hiệu quả này là từ ngay bản thân tôi. Nhớ lại khi mới bắt đầu học Phật, Đại sư Chương Gia dạy tôi nhìn thấu, dạy tôi buông bỏ, tôi thỉnh giáo với đại sư ngài, phải bắt tay vào từ đâu? Ngài nói với tôi từ bố thí, dạy tôi phải học tài bố thí, pháp bố thí, vô uý bố thí, do nguyên nhân gì? Đại sư biết, thấy sắc tướng của tôi rất mỏng, cũng chính là nói trong mệnh không có của, bần cùng, trong mệnh không có tuổi thọ. Thực tế mà nói, vào lúc đó tôi cũng thấy được rất rõ ràng.

Năm đầu khi tôi còn trẻ, rất nhiều người đoán mạng cho tôi, thọ mạng của tôi chỉ có 45 tuổi. Tôi tin tưởng. Tin tưởng của tôi là nhờ vào trực giác, bởi vì trong nhà của tôi ba đời đều là đoản mạng. Ông nội tôi 45 tuổi qua đời, bác của tôi, anh của cha tôi 45 tuổi qua đời, cha tôi cũng là 45 tuổi qua đời, vào lúc đó tôi nghĩ có thể có quan hệ di truyền này, cho nên tôi học Phật liền đem thọ mạng của mình đặt ở tuổi 45, sau 45 tuổi thì không còn nữa, cho nên phải cố gắng dụng công, gặp được pháp môn Tịnh Độ phải niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, không làm việc luân hồi nữa. Đại sư Chương Gia biết, cho nên liền dạy tôi cố gắng chăm chỉ tu học. Thế nhưng khi đọc xong Liễu Phàm Tứ Huấn, hiểu rõ đạo lý này, Thiền sư Vân Cốc đã nói rất rõ ràng, cho nên ở nơi phương diện đời sống vật chất, chân thật mỗi năm một tốt hơn, đó là biết được tu tài bố thí. Tài thì càng thí càng nhiều, mới tin tưởng việc này là không giả, không gạt người. Pháp bố thí thì học kinh giáo với lão sư Lý, hoan hỉ  giảng để cho người khác nghe, nói cho mọi người cái tâm đắc học Phật. Một người tôi cũng giảng, hai người cũng giảng. Năm đầu là đến nhà của đồng tu quen biết, trong nhà của họ ba người cũng được, năm người cũng được, mười người, tám người, hai mươi người đều được, giảng giải không gián đoạn. Càng giảng thì đối với lý luận của Phật pháp càng tường tận, càng thấu triệt, cho nên gọi là trí tuệ thêm lớn. Năm tôi 45 tuổi, đích thực bị một trận bệnh rất nghiêm trọng, trong lòng chính tôi nghĩ tuổi thọ đến rồi, cho nên cũng không đi bác sĩ khám. Người khác hỏi tôi vì sao không đi bác sĩ? Tôi nói, bác sĩ chỉ có thể trị bệnh không thể trị mạng, thọ mạng của bạn đến rồi bạn tìm bác sĩ cũng không ích gì, cho nên tôi cũng không tìm bác sĩ, cũng không uống thuốc, niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Niệm qua một tháng thì sức khoẻ dần dần được hồi phục. Cái thọ mạng này đích thực là do niệm Phật mà chuyển đổi lại, đương nhiên có liên quan với bố thí pháp, bố thí tài, bố thí vô uý. Tôi ở vào lúc đó bố thí vô uý chính là dùng phóng sanh, ăn chay, bố thí thuốc thang, chính mình mỗi tháng có một số tiền dư ra tặng cho bệnh viện, giúp đỡ một sống bệnh khó khăn, giúp cho họ mua thuốc men. Cho nên bạn biết được tu nhân thì sẽ chuyển đổi được quả báo. Trong sáu cõi không gì khác hơn chính là nhân quả. Thiện có thiện quả, ác có ác báo, cần tu mười thiện thì quả báo ở trời người, tạo tác mười nghiệp ác thì quả báo ở ba đường ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh. Sự việc này Phật nói rất rõ ràng, nói rất thấu triệt.

Thế nhưng sáu cõi luân hồi tuyệt nhiên không phải Phật giáo phát hiện ra đầu tiên. Sáu cõi luân hồi là Bà La Môn giáo cổ đại đã nói ra. Phía trước chúng ta đã nói qua với các vị nhiều lần, Bà La Môn giáo chính là Ấn Độ giáo ngày nay. Khởi nguồn so với Phật giáo, họ chính mình nói chí ít phải từ mười ngàn năm trước. Phật giáo đến ngày nay, theo trong điển tích ghi chép của Trung Quốc chúng ta là hơn 3030 năm, trên  thế giới thông thường nói là 2553 năm. Đến năm nay, Ấn Độ giáo có hơn mười ngàn năm lịch sử, ở trong tất cả tôn giáo thì nó được xếp vào hàng đầu. Thế nhưng ngày nay trên thế giới công nhận, mọi người thừa nhận, nó có 8500 năm, vẫn là sớm hơn so với Phật giáo 5000 năm. Cho nên cách nói sáu cõi luân hồi là Bà La Môn giáo nói. Cũng không phải họ tùy tiện mà nói, chúng ta biết được Bà La Môn giáo cổ xưa chú trọng tu thiền định, nhà Phật đã nói thiền định cơ bản là tứ thiền bát định. Tứ Thiền Bát Định là pháp tu chính của Bà La Môn giáo, Phật giáo cũng tu. Tứ thiền bát định tu thành công rồi thì sanh trời Sắc Giới, sanh trời Vô Sắc Giới. Thế nhưng sức định này tu thành công rồi, liền đột phá không gian duy thứ trong sáu cõi, hay nói cách khác, ở cảnh giới của họ, họ chỉ cần vừa vào định, bên trên đến trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, bên dưới đến A Tỳ địa ngục, họ liền thấy được rất tường tận, đó gọi là  thế giới hiện lượng, không phải họ nằm mộng, không phải họ ở nơi đó nghiên cứu dò tìm mà ra, mà là cảnh giới thấy được trong định, nhà Phật chúng ta gọi là cảnh giới hiện lượng. Trước mắt chúng ta sáu căn tiếp xúc được, đó là cảnh giới hiện lượng, trong định tiếp xúc được cũng là cảnh giới hiện lượng, nó không phải là tỉ lượng. Tỉ lượng là dò tìm. Cho nên sáu cõi là thật, không phải là giả. Sáu cõi chân thật là thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả.

Hiểu rõ chân tướng sự thật này, chúng ta quyết định sẽ không có ác niệm, quyết định sẽ không có lời nói ác, cũng sẽ không có những việc làm ác, vì sao vậy? Biết được quả báo đó không tốt. Cho dù gặp phải oan gia trái chủ, đó là việc không thể tránh khỏi, trong sáu cõi đời đời kiếp kiếp tương báo lẫn nhau, báo ân báo oán, đòi nợ trả nợ, sự việc này bất cứ người nào cũng không thể tránh khỏi. Người khác lừa gạt ta, hủy báng ta, nhục mạ ta, hãm hại ta, người có thể tường tận được chân tướng của sáu cõi, bạn xem, họ làm thế nào để xử lý những sự việc này? Họ không giống như người thông thường chúng ta. Người thông thường chúng ta nhất định sẽ sanh tâm oán hận, nhất định báo thù, vậy thì sai rồi! Họ tìm bạn gây phiền phức, vì sao họ không tìm người khác để gây phiền phức? Vậy thì bạn liền biết được, ngay trong đời quá khứ bạn đã ức hiếp họ, bạn huỷ báng họ, bạn nhục mạ họ, hãm hại họ, ngay đời này gặp được thì họ đến báo thù. Tường tận được những việc này, khi chúng ta gặp phải thì hoàn toàn tiếp nhận, hoan hỉ vui vẻ tiếp nhận, không có oán hận, không có báo thù, cái sổ nợ này đến đây kết thúc, đời sau là bạn bè tốt, cho nên đại đức xưa dạy cho chúng ta “oan gia nên giải không nên kết”. Oan là đời quá khứ đã kết oán, ngay đời này gặp được bạn phải biết hoá giải, bạn không thể kết oán tiếp. Kết oán tiếp thì đời sau báo thù càng nghiêm trọng, đến đời kiếp nào mới có thể hoá giải? Đến đời nào bạn giác ngộ thì bạn liền biết hoá giải, không còn kết oán nữa, cho nên không luận gặp phải nhục mạ như thế nào, trong tự nhiên sẽ tâm bình khí hoà, vậy thì tốt, vì sao vậy? Việc này không những hoá giải oan nghiệp mà cảnh giới của chính mình cũng được nâng cao, đó gọi là đức hạnh. Khó nhẫn có thể nhẫn, đó gọi là công phu! Khó tin có thể tin, khó học có thể học, khó thành có thể thành, đây là một mục tiêu then chốt nhất mà đời này chúng ta đến nhân gian, cho nên gọi là “sống đến già, học đến già”. Chúng ta đến thế gian này để làm gì? Đến để học tập. Học cái gì? Học đoạn ác tu thiện, học lìa nhiễm tu tâm thanh tịnh, viễn ly tất cả ô nhiễm tu tâm thanh tịnh, làm cho linh tánh của chính mình không ngừng nâng lên cao.

Thế nên Phật Bồ-tát, tổ sư đại đức của chúng ta dạy cho chúng ta một mục tiêu phương hướng rất tốt, đó chính là cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, thân cận Phật A Di Đà. Sự việc này Đại sư Thiện Đạo nói rất hay. Đại sư Thiện Đạo là người vào thời đầu nhà Đường, ngài nói pháp môn này “vạn người tu vạn người vãng sanh”, chỉ cần bạn chịu học, không ai không thành công, hơn nữa kinh luận không nhiều. Vào thời nhà Đường, căn cứ theo chính là ba kinh một luận, sau đó tổ sư đại đức thêm vào hai loại, số lượng cũng không nhiều, cho nên Tịnh Độ tông hiện tại kinh điển chủ yếu là năm kinh một luận. Năm kinh một luận đều học, cũng được, nếu như kiêm quá nhiều, học một loại cũng được.

Thế nhưng đây chính là pháp môn niệm Phật, bạn cần phải biết tông chỉ của pháp môn niệm Phật là ở đâu, phương hướng mục tiêu ở nơi đâu. Tông chỉ của nó chính là “tâm tịnh thì cõi nước tịnh”. Chúng ta dùng phương pháp niệm Phật hiệu, trì danh niệm Phật tu tâm thanh tịnh. Tu bằng cách nào? Đặc biệt là cảnh giới hiện tiền. Cảnh giới có hai loại. Một là hoàn cảnh vật chất, thuận cảnh, nghịch cảnh. Một loại là hoàn cảnh nhân sự, thiện duyên, ác duyên. Thuận cảnh thiện duyên thì tốt, ở trong đây luyện cái gì? Luyện không khởi tham luyến, không sanh tham luyến, giữ gìn tâm bình khí hoà. Nếu như là nghịch cảnh ác duyên, vậy tu cái gì? Tu không khởi sân hận, không oán trời không trách người. Tham-sân-si phải từ đâu mà đoạn? Chính ở ngay trong cuộc sống thường ngày mà chúng ta gặp phải, thuận cảnh nghịch cảnh, thiện duyên ác duyên, đem tham-sân-si-mạn của chúng ta đoạn trừ hết. Quá tốt! Vừa mới đoạn được một chút vẫn không phải quá nhiều, niệm Phật liền có thể sanh Tịnh Độ, sanh đến cõi Phàm Thánh Đồng Cư thế giới Tây Phương Cực Lạc, rất dễ dàng đi được, đây chính là đại sư Thiện Đạo đã nói “vạn người tu vạn người vãng sanh”. Nếu như bạn ở thế gian này, bạn còn có thọ mạng, bạn không ngừng nâng lên cao, vậy thì phẩm vị vãng sanh thế giới Cực Lạc càng ngày càng cao. Đó là thật, không phải là giả. Cho nên chúng ta thường hay nói, những thứ thế gian này không mang đi được thì không nên nghĩ đến nó, phải nên buông bỏ, những thứ mang đi được thì phải chăm chỉ nỗ lực tu học.

Cái gì mang đi được? Nghiệp của bạn sẽ mang đi được. Chúng ta không mang theo ác nghiệp, ta mang theo thiện nghiệp, công đức của ta có thể mang đi được, phước đức cũng có thể mang đi được, ta phải nên đoạn ác tu thiện, phải nên tích luỹ công đức. Chúng ta phải nên mỗi năm một nâng cao, ở nơi đây nâng lên cao, tương lai ở thế giới Cực Lạc chính là phẩm vị từng bước hướng lên trên cao, đây là có thể mang đi được. Danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, những thứ đó không mang đi được. Cho nên phải học với Thích Ca Mâu Ni Phật, bạn xem, năm xưa khi Phật còn ở đời, những thứ không mang đi được thảy đều buông bỏ, cả đời trải qua đời sống khổ hạnh. Vì sao phải có cách làm như vậy? Đó là đại từ đại bi làm ra tấm gương cho chúng ta xem, khó xả có thể xả, khó làm có thể làm, ngài làm ra gương tốt để cho chúng ta xem. Chúng ta có được cái duyên này, nên làm nhiều việc tốt, giúp đỡ nhiều người khác, đặc biệt là xã hội hiện tại. Xã hội hiện tại là xã hội động loạn, nếu như chúng ta có thể giúp đỡ xã hội này hoá giải xung đột, giúp đỡ xã hội này hồi phục được hoà bình an định, công đức này thật quá lớn, việc này có thể mang đi được. Phải chăm chỉ nỗ lực mà làm, tuyệt đối không thể ham muốn danh lợi. Ham muốn danh vị thì sai rồi, bạn làm những việc tốt nào thì liền được báo hết. Bạn làm được việc tốt, người ta mời bạn làm chủ tịch gì đó, làm hội trưởng gì đó, thì báo hết rồi, hiện đời báo hết. Chúng ta xả hết, không nhận báo, vậy thì công đức của bạn được bảo tồn.

Cả đời Thích Ca Mâu Ni Phật bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô uý. Ngài xuất gia rồi nên không có ngoại tài, ngài là nội tài bố thí. Bạn xem, mỗi ngày không từ khổ cực, ngày ngày dạy học, 30 tuổi khai ngộ, 79 tuổi viên tịch, giảng kinh dạy học 49 năm, không từ lao nhọc, đó là nội tài bố thí. Khởi phát trí tuệ cho đại chúng là bố thí pháp. Ngài đã dạy bảo cho chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức, có thể xả bỏ ác báo, đều có thể được quả báo tốt, nó thuộc về bố thí vô uý. Việc này cần phải học, càng học càng an vui! Ta có thể thể hội được câu đầu tiên trong Luận Ngữ, Khổng Phu Tử nói: “học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ”. Từ khi tôi học Phật mới hiểu được câu nói này. Cái duyệt đó là hỷ duyệt. Hỷ duyệt không phải do kích thích của bên ngoài, là hoan hỷ của nội tâm, nhà Phật gọi là pháp hỷ sung mãn. Cái hỷ duyệt này từ đâu mà có? Từ học tập mà có. Tập là áp dụng ngay trong đời sống. Đến nơi đâu để học? Mỗi ngày từ sớm đến tối, ngày ngày đều đang học. Học với ai vậy? Mỗi một người đều là thầy của ta. Họ là người thiện, họ làm ra việc tốt để chúng ta xem thấy nghe thấy, nghĩ lại xem ta có làm hay chưa? Nếu ta chưa làm thì phải học tập với họ. Họ là một người ác, đã làm ra những việc xấu, ta phải phản tỉnh, ta có làm hay không? Nếu ta có làm thì phải mau sửa đổi, nếu ta không có phải khích lệ chính mình, không nên phạm phải lỗi lầm này, họ cũng là thầy giáo của ta. Người thiện là thầy giáo, người ác cũng là thầy giáo, cho nên Phu Tử nói “ba người đồng hành ắt có thầy ta”.

Ở trong kinh Hoa Nghiêm hiển thị ra rất cụ thể chính là Thiện Tài Đồng Tử năm mươi ba lần tham học. Thiện Tài là học trò, năm mươi ba vị này đều là thầy giáo. Năm mươi ba vị này là gì? Chính là đại chúng thông thường trong xã hội, Phật đem nó phân thành năm mươi ba loại, ngày nay chúng ta gọi là các ngành các nghề, nam nữ già trẻ. Họ thiện thì cùng học với họ; họ là ác thì chúng ta phải phản tỉnh, cũng là thầy của ta, phản tỉnh xem chúng ta có làm chưa? Có thì sửa đổi, không có thì khích lệ, cho nên người thiện người ác, người già trẻ nhỏ, người nam người nữ, không có một người nào không phải là thầy của ta. Bạn nói xem, như vậy thì an vui dường nào, bạn nói xem hoan hỷ cỡ nào! Mỗi ngày đức hạnh học vấn phước báo đều đang nâng cao. Cho nên có rất nhiều người nói, Thiện Tài vận may tốt, gặp được nhiều tri thức đến như vậy, vì sao tôi một người cũng không gặp? Kỳ thật bạn từ sớm đến tối, ngày ngày bạn cùng ở chung với thiện tri thức, tại bạn không nhận biết! Bạn thấy người kia tốt, bạn đố kỵ với họ, xem thấy người ác thì ghét bỏ họ, bạn đang tạo nghiệp. Bạn ba người đi thì tạo nghiệp, người ta ba người đi thì làm Phật làm tổ, bạn thấy cái nhận biết này quan trọng dường nào! Việc này chúng ta không thể không biết.

Hôm nay đoạn văn này của chúng ta nói khởi nguồn của vũ trụ, nói một niệm bất giác. Một niệm này rất là vi tế! Chúng ta học Phật cũng học mấy mươi năm rồi, đối với câu nói này đều có nghi vấn, đều không thể lý giải. Nếu đối với vấn đề này hiểu được rõ ràng, hiểu được tường tận, ở tôi cũng chẳng qua là khoảng năm năm. Sự việc này sau 75 tuổi, đọc kinh điển đoạn Thích Ca Mâu Ni Phật nói chuyện với Bồ-tát Di Lặc, việc này bỗng chốc liền hiểu ra. Phật hỏi Di Lặc là tâm có sở niệm, chỗ này nói phàm phu chúng ta, khởi lên một ý niệm, Phật hỏi rất hay, tâm có sở niệm, cái niệm này có bao nhiêu niệm nhỏ? có mấy cái tướng? có mấy cái thức? Việc này chính chúng ta không hiểu. Thực tế mà nói, ngài nói ra đoạn này chính là hiện tại chúng ta đọc đoạn văn này. Bồ-tát Di Lặc trả lời Thế Tôn: “Cử thủ đàn chỉ chi khoảnh”. Khoảnh là tốc độ rất nhanh, một khảy móng tay, Phật hỏi có bao nhiêu niệm? Bồ-tát Di Lặc nói: “Ba mươi hai ức trăm ngàn niệm”, trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Đơn vị đó là một trăm ngàn, một trăm ngàn là mười vạn. Ba mươi hai ức mười vạn, đó là bao nhiêu? Hiện tại người Trung Quốc chúng ta gọi là 320 triệu. Trong một khảy móng tay có 320 triệu ý niệm, chúng ta làm sao mà biết được? Bình thường chúng ta xem truyền hình, loại thường thức này chúng ta có, chúng ta biết được cuộc phim ở trong máy chiếu phim, mọi người đều biết được từng tấm từng tấm, trong một giây tốc độ của nó là hai mươi bốn tấm. Bạn thấy ống kính đóng mở, ống kính vừa mở, cái đèn chiếu chiếu lên màn bạc lập tức liền đóng nó lại, lại mở ra chiếu tấm thứ hai, tốc độ này nhanh bao nhiêu? Một giây hai mươi bốn tấm. Chúng ta xem thấy trên màn bạc thì dường như là giống như nhau, nhưng một giây là 24 tấm. Hiện tại Bồ-tát Di Lặc nói với chúng ta, hiện tượng của vũ trụ này, một giây có bao nhiêu tấm vậy? Một khảy móng tay là 320 triệu. Cái khảy móng tay đó, đại khái tốc độ này của tôi thì trong một giây có thể khảy được bốn lần, vậy nhân cho bốn, đây là giả định, thì là 1280 triệu ý niệm, chính là trong một giây cái ống kính này đóng mở 1280 triệu lần, chúng ta làm sao biết được! Quá vi tế! Thời gian của cái chấn động này quá ngắn, tần suất chấn động rất thấp, chúng ta không cách gì phát hiện. Cho nên ý niệm của chúng ta quá thô, bạn thấy trong đây có nhiều niệm nhỏ đến như vậy để thành một niệm.

Phật không chỉ là nhà triết học cũng là nhà khoa học. Khoa học quan trọng nhất là phải nói chứng cứ, không thể tuỳ tiện nói, bạn phải đem chứng cứ ra. Trong Phật pháp có chứng cứ hay không? Có! Phật nói với chúng ta, Phật dùng phương pháp gì thấy được cái hiện tượng này? Dùng sức định. Tâm của bạn càng thanh tịnh, sức cảm thụ của bạn càng mạnh, tần sức sóng động vi tế này bạn có thể thâu nhận được. Sức định thế nào vậy? Trong kinh đại thừa Phật nói Bồ-tát Bát Địa, Bồ-tát Bát Địa họ xem thấy được A-lại-da, đó chính là Tướng Tông nói A-lại-da-thức. Một niệm bất giác mà có vô minh chính là tự tánh biến thành A-lại-da, chính là một niệm vi tế đó biến thành A-lại-da, A-lại-da lập tức liền chuyển tướng. Chuyển tướng là thức thứ bảy, Mạt-na, do Mạt-na lập tức liền sanh cảnh giới tướng. Cảnh giới tướng là vật chất, Mạt-na là tinh thần, cho nên tinh thần cùng vật chất đồng nguồn, tốc độ của nó quá nhanh rồi, là có trước sau. Cái tốc độ đó bao nhanh? Vậy bạn phải đem cái ý niệm này, trong một niệm có thành trụ hoại không, bạn lại nhân lên làm bốn, chính là 1280 triệu phần trăm giây lại nhân với bốn. Đó là nói cái gì? Đó là nói vật chất cùng hiện tượng tinh thần sanh khởi, nó là đốn hiện, không phải dần dần mà hiện ra. Cách nói này rất hay. Bạn tu định đến Bồ-tát Bát Địa, được cái định đó, bạn liền xem thấy được, không phải Phật tuỳ tiện nói. Phật nói rồi, bạn không được thọ dụng. Phật sau khi nói rồi, Phật bảo bạn cần phải chứng đắc, bạn mới được thọ dụng. Nếu không thì đó là Phật nói, không phải là của bạn.

Làm thế nào đem lời Phật nói biến thành cảnh giới của chính mình? Việc này cần phải dựa vào chính mình chứng thật, cho nên trong Phật pháp nói tín-giải-hành, sau cùng là chứng. Bạn chứng được mới xem là của chính bạn, đó gọi là chân tín, chưa chứng đắc thì không phải chân thật tin tưởng. Cho nên việc trước tiên của Phật pháp là tín, thành thật mà nói, cái tin thứ nhất đó là mê tín, bạn làm sao liền tin tưởng Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, bạn cũng chưa thấy được? Cho nên sau khi tin rồi Phật liền giảng giải cho bạn, chân thật hiểu được nó có lý luận y cứ, chân thật lý giải. Có lý luận y cứ mới gọi là chánh tín, đó không phải mê tín, trong đó nó có đạo lý; thế nhưng cái đạo lý này bạn vẫn chưa thông qua thực nghiệm, bạn vẫn chưa chứng thật, cho nên sau khi hiểu rõ đạo lý rồi, bạn phải hành, bạn phải thật làm! Y theo phương pháp lý luận Phật đã nói mà làm, bạn làm được, bạn liền có thể chứng thực. Làm được phần ít liền chứng thực được phần ít, làm được phần nhiều liền chứng thực được phần nhiều, làm đến viên mãn thì bạn chứng được viên mãn, đó là khoa học. Khi tiên sinh Phương Đông Mỹ đem Phật pháp dạy cho tôi, tôi học triết học với thầy, thầy nói: “Thích Ca Mâu Ni Phật là nhà đại triết học”. Tôi tin tưởng thầy không gạt tôi, tôi nỗ lực học tập, học đến năm nay đã học 58 năm. Trong 58 năm này tôi thật cảm kích lão sư, vì sao vậy? Tôi mỗi năm có tiến bộ, tôi không phải là lợi căn, là độn căn, không cách gì đốn ngộ, thế nhưng mỗi năm có tiến bộ, cho nên pháp hỉ sung mãn, tôi mới biết được câu nói đó của Phu Tử “học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ”. Tôi đem câu nói của người xưa đã nói “sống đến già, học đến già”, phía sau tôi lại thêm vào hai câu “thật an vui, quên tuổi già”, quên mất đi tuổi già. An vui cuối đời từ đâu mà có? Do học mà có. Nếu như một ngày không học thì một ngày sanh phiền não. Phiền não tổn thương đối với thân tâm của chúng ta rất lớn, người xưa chúng ta thường nói “lo buồn có thể khiến cho người già”. Trong tâm của bạn có phiền não thì bạn rất dễ bị lão hoá, trong tâm của bạn không có phiền não, không có âu lo, thân tâm thanh tịnh, an vui tự tại, thì tuổi tác tuy là ngày một già hơn, bạn không cảm thấy bị lão hoá, vì sao vậy? Do an vui! Tôi là từ nơi đây mà thể hội, cho nên liền nghĩ đến vườn nghỉ của người già, cũng nghĩ đến việc gì? Sự thật của nhân quả. Một người già, nếu như tuổi già không an vui, có oán hận, có bất bình, vậy thì không tốt, loại thân tâm không khoẻ mạnh này tương lai sau khi chết, ở trong kinh điển Phật nói với chúng ta, họ đi đến nơi nào vậy? Họ đi đến ba đường. Họ có oán hận có bất bình. Ba đường chính là ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh, họ sẽ đi đến nơi đó. Nếu như cuối đời an vui tự tại, ngày ngày học tập điển tích của thánh hiền, giáo huấn của thánh hiền, cuối đời cùng ở chung với thánh hiền, việc này an vui không gì sánh bằng, vậy sau khi họ chết chí ít đời sau vẫn có thể được thân người, thậm chí có thể sanh đến cõi trời, không thể bị đoạ ba đường. Cho nên tôi liền nghĩ đến viện dưỡng lão phải xem trọng đời sống tinh thần, làm thế nào giúp đỡ họ? Vậy thì phải dạy học, viện dưỡng lão chính là đại học của người già, giảng cho họ nghe thứ gì vậy? Giảng cho họ nghe luân lý, đạo đức, nhân quả, giảng cho họ nghe tôn giáo. Bởi vì cả đời này của họ đã qua rồi, phải nói với họ còn có đời sau, không phải chết rồi thì hết, tuyệt đối không phải vậy, vẫn còn có đời sau, cả đời này trải qua chúng ta cảm thấy thật không vừa ý, hy vọng đời sau viên mãn hơn. Họ có kỳ vọng, có hy vọng, có thể làm cho tinh thần của họ phấn chấn hơn, để họ sống được khoẻ mạnh, sống được an vui. Đó là giúp cho một người, từ ba đường kéo họ đến  cõi trời. Đó là việc tốt, đó là đại công đức, đó là việc chúng ta phải nỗ lực mà làm. Chúng ta xem thấy rồi, nghe thấy rồi, cho nên tôi mỗi lần đến một khu vực thăm viếng, tôi đều xem qua sự nghiệp phúc lợi người già của khu vực đó, xem thử viện dưỡng lão của họ, cùng nói chuyện với họ, hy vọng phải chú trọng đến việc giáo dục người già, phải chú trọng đến đời sống văn nghệ, không chỉ là nuôi người già, mà phải nuôi tâm tình của họ được an vui, nuôi đến được tiền đồ của chính họ. Có được tiền đồ sáng lạn, có được tiền đồ tốt đẹp, chúng ta mới có thể không có lỗi với những người già này.

Trung Quốc thời xưa nuôi già dạy trẻ là do gia tộc gánh vác. Hiện tại chúng ta gọi là gia tộc, mọi người sẽ dễ hiểu, gọi gia đình thì mọi người không hiểu. Ngày trước gia tộc chính là gia đình, đại gia đình, không phải gia đình nhỏ. Trong đại gia đình nhân khẩu nhiều, nhân khẩu thông thường đại khái có khoảng 500 người trở lại, một gia tộc là như vậy, cho nên nó chú trọng gia đạo gia qui, gia học gia nghiệp, công năng của nó đích thực làm đến được nuôi trẻ chính là giáo dục, giáo dục đối với con em, dưỡng lão, người già có niềm vui thiên luân, đời đời tiếp nối. Người sau, vãn bối có năng lực, có đức hạnh, có học thuật, truyền gia đạo của họ, truyền gia học của họ, truyền gia nghiệp của họ. Hiện tại thì không còn nữa. Chúng ta nghĩ xem, nhà của Trung Quốc, ở Trung Quốc ngay trong mấy ngàn năm lịch sử, cái quốc gia, cái chủng tộc này, nhờ vậy mà được thịnh trị dài lâu, thái bình thạnh thế, nhờ vào cái gì? Nhờ vào sức mạnh của gia đình, cho nên thông thường chúng ta nói “tề gia sau đó trị quốc, trị quốc sau đó bình thiên hạ”, cho nên nhà ở trong lịch sử Trung Quốc là chiếm phần chủ đạo. Ngày nay nhà không còn, xã hội động loạn, trước đây có được nhà như vậy nên xã hội an định, hoà thuận yên vui, cho nên tinh thần công năng này quá tốt, làm thế nào đem nó kế thừa tiếp nối?

Hiện tại tôi thường nghĩ đến các xí nghiệp, hy vọng xí nghiệp, những người làm chủ xí nghiệp, đem cái truyền thống tốt đẹp này tiếp nối về sau, phải đem tất cả nhân viên của công ty bạn (hiện tại xí nghiệp thông thường công nhân trên một ngàn người thì rất nhiều), đem những công nhân này xem thành anh em chị em ruột của chính mình, làm cho cái đoàn thể này phải chân thật thành một thể, người một nhà. Ngày nay chúng ta giảng đoạn kinh văn này, vũ trụ này là một thể, là một nhà. Tôi mấy năm qua ở trên quốc tế đoàn kết tôn giáo thế giới thành một nhà, tất cả chúng sanh là một thể, thế giới liền thái bình, sẽ không có xung đột nữa, mới có thể hồi phục được an định hoà bình. Giữa người và người phải kính yêu lẫn nhau, phải tôn trọng lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, bạn nói xem, thế giới này tốt đẹp dường nào! Thế giới đó chính là thế giới Cực Lạc,  thế giới đó chính là  thế giới Hoa Tạng.

Hoa Tạng cùng Cực Lạc là con người tạo ra, không phải trời sanh, chính là bởi vì cư dân của thế giới đó của họ hiểu rõ thật tướng các pháp, họ biết được tất cả chúng sanh quan hệ với chính mình là một thể, cả thảy vũ trụ quan hệ với chính mình là một nhà, cho nên  thế giới gọi là Cực Lạc, thế giới gọi là Hoa Tạng. Những việc này đều phải học tập giáo huấn của thánh hiền, khải phát chúng ta, chúng ta mới có thể giác ngộ. Sau khi giác ngộ thì chúng ta liền khẳng định, đó là thật không phải là giả, đó không phải là lý tưởng, đó là sự thật. Đó gọi là hành chứng. Từ tín giải phải khế nhập hành chứng thì chúng ta được thọ dụng. Hiện tại chúng ta hiểu rõ rồi, giác ngộ rồi, tôi đem tất cả chúng sanh xem thành một thể, đem cái  thế giới này xem thành một nhà, thế nhưng họ đem tôi xem thành người ngoài, vậy phải làm sao? Không cần lo, không liên quan gì, ta thừa nhận họ, ta nâng cao lên, ta siêu việt. Hiện tại cùng ở chung với các người, các người không thừa nhận, sau khi tôi chết đi đến thế giới Cực Lạc mọi người thừa nhận, đến  thế giới Hoa Tạng mọi người thừa nhận. Các người tạm thời không thừa nhận thì vẫn phải tiếp tục luân hồi, vẫn phải oan oan tương báo, đến hôm nào báo được quá mệt rồi, không muốn làm nữa, Phật Bồ-tát đến dạy họ, lúc nào thì họ tin tưởng thì vào lúc đó họ liền giải thoát. Cho nên vạn nhất không nên cho rằng ta thừa nhận họ cùng với ta là một thể, họ không chịu thừa nhận ta, vậy thì thôi vậy, ta cũng tạm thời không lý đến họ, vậy thì sai. Cũng giống như trẻ con là con cái chính bạn sanh ra, rời xa từ nhỏ, rời xa mấy mươi năm, lớn lên không nhận biết, trẻ nhỏ không biết được bạn là cha mẹ của nó, bạn biết được nó là con cái của bạn, bạn có thương yêu chúng hay không? Tuy là chúng phản đối bạn, nhưng bạn có tha thứ cho chúng hay không? Bạn có giúp đỡ cho chúng hay không? Phải giúp! Vì sao vậy? Vì bạn biết. Đạo lý chính là như vậy. Phải biết những chúng sanh trên địa cầu này của chúng ta mê mất tự tánh đã quá lâu. Hoàn cảnh ở Trung Quốc tương đối tốt, đời đời nối nhau, người già đều dạy bạn, thế nhưng giáo học truyền thống của chúng ta chí ít cũng đã bỏ mất năm đời, hay nói cách khác, bạn chính mình không biết, hoàn toàn mê mất, ngay đến lịch sử của gia đình cũng không biết, lịch sử của quốc gia cũng không biết, lịch sử gia đình không biết. Thân tình của bạn, thân tình là thiên tánh thế nhưng không thể phát khởi ra, đã bị che lấp. Lịch sử quốc gia không biết, bạn không có tâm hồn yêu nước; địa lý quê hương không biết, bạn không yêu cái mảnh đất này. Người xưa Trung Quốc dạy học, khoá mục không có nhiều như hiện tại, khoá mục quan trọng nhất là hai môn, một là kinh, một là sử. Kinh chính là học vấn, sử chính là lịch sử, đời đời truyền nhau, bạn biết được bạn mới sanh ra lòng yêu nước, lòng yêu nhà. Nếu người không đọc sử địa, bạn sẽ không có cảm tình đối với quốc gia này, bạn đối với mảnh đất của bạn cũng không có cảm tình, đó là gì vậy? Đó là căn nguyên của xã hội động loạn, cái điều đại loạn! Cho nên người Trung Quốc vô cùng chú trọng, đặc biệt xem trọng lịch sử gia đình, do đó Từ Đường của người Trung Quốc, người Trung Quốc có gia phổ. Gia phổ là lịch sử của gia đình, nếu bạn rất rõ ràng, rất tường tận, thì bạn làm sao không yêu nhà chứ? Làm sao bạn không yêu làng xóm của bạn chứ? Đó là nơi mà bạn sanh ra mà.

Kinh là học vấn, vậy bạn biết được giáo khoa thư giáo học này của Phật giáo thảy đều gọi là kinh, là đại học vấn! Giảng giải thứ gì? Chúng ta rất đơn giản, rất thiết yếu mà nói, trong kinh điển đã nói là luân lý, đạo đức. Luân lý là nói quan hệ, đạo đức là nói cái quan hệ này làm thế nào cùng sống với nhau, giảng nhân quả, giảng khoa học, giảng triết học, bao gồm phía trước đã nói ba môn, đều nói đến cứu cánh viên mãn, là đại học vấn, thế nhưng xã hội hiện tại rất nhiều người đem nó xem thành tôn giáo, đem nó xem thành mê tín, không chịu gặp nó, không bằng lòng tiếp xúc với nó, thật là đáng tiếc! Việc này không thể trách người xưa, không thể trách kinh giáo, chỉ trách chính mình ngu si, cả đời này không gặp được người tốt, ngu si luống qua một đời.

Chúng tôi còn trẻ cũng ngu si, thế nhưng rất may mắn gặp được người tốt, gặp được tiên sinh Phương Đông Mỹ, đã nói việc này cho tôi nghe rõ ràng. Tôi hiểu rõ, quay đầu lại đọc kinh Phật mới phát hiện ở trong đây có thứ đồ tốt đến như vậy, ở trong pháp thế gian không tìm ra được. Những duyên khởi của vũ trụ, khởi nguồn của sinh mạng, ngày nay khoa học cùng triết học ở trên toàn thế giới đều vẫn chưa định luận, có rất nhiều cách nói, đều không thể làm cho người tâm phục khẩu phục. Không giống như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói, khi chúng ta đọc rồi chân thật là tâm phục khẩu phục, nỗ lực y theo phương pháp lý luận của nó mà học tập, dần dần khế nhập vào cảnh giới. Tuy là vẫn chưa vào được, phương hướng mục tiêu của chúng ta đã chính xác, cho nên càng học càng hoan hỉ, đích thực thể hội được phiền não nhẹ, trí tuệ thêm lớn. Bạn thấy trước khi chưa học Phật, chúng ta gặp phải người khác oan uổng ta, nhục mạ ta, huỷ báng ta, hãm hại ta, ta có thể không sân hận không? Ta có thể không báo thù không? Sân hận báo thù là của con người thường tình, vì sao hiện tại thì không có ý niệm này? Đó là trong Phật pháp đã đem chân tướng sự thật này nói ra tường tận, hoá giải hết. Biết được cái gì? Biết được tất cả chúng sanh cùng với chính mình là một thể. Tôi thường hay thí dụ, bởi vì chính chúng ta cũng có rất nhiều lần có được kinh nghiệm này, không cẩn trọng răng cắn phải lưỡi, cắn đứt lưỡi chảy máu. Đầu lưỡi cùng răng là một thể, ngay trong đầu lưỡi cùng răng không hề có mâu thuẫn, không hề có oán hận, không hề có báo thù, vì sao vậy? Là một thể. Hiện tại ý niệm của chúng ta đã chuyển đổi lại, không luận hãm hại thế nào, thậm chí giết hại, cũng không có oán hận, cũng không có tâm báo thù. Vì sao ngay đến giết hại cũng không oán hận? Biết được giết hại là giả, không phải là thật, ta có thể chết không? Không thể chết, ta không sanh không diệt. Sanh tử là gì? Sanh tử là nhục thể, nhục thể không phải là ta, cho nên trong Phật pháp việc đầu tiên liền dạy chúng ta phải học, tuyệt đối không thừa nhận thân thể này là ta. Thân thể là gì? Là sở hữu của ta, như quần áo, quần áo là sở hữu của ta, không phải ta, khi quần áo hư rồi thì đổi bộ khác, thân thể không còn sử dụng tốt nữa thì đổi cái khác. Linh tánh bất diệt, bất sanh bất diệt.

Ngay cái niệm ban đầu này, một niệm bất giác này, chúng ta biết được cái niệm này rất vi tế. Cái niệm này, xin nói với các vị, giống như tự tánh vậy, cái niệm này cũng không phải “sanh nhân chi sở sanh”, nó không có nguyên nhân, thế nhưng niệm thứ hai liền có nguyên nhân. Niệm thứ nhất là nhân của nó, nó liền có niệm thứ hai, thế nhưng cái niệm đầu tiên không có nhân. Lời nói này không dễ hiểu, thế nhưng bạn tỉ mỉ mà thể hội, dần dần cũng có thể ý thức được cái chân tướng sự thật này. Tôi thường hay nói với người khác đến chỗ này thì tôi nêu ra một thí dụ, cái thí dụ này xảy ra chính ngay bản thân chúng ta, trên thân người khác cũng có, tôi xem thấy, thế nhưng trên thân chính mình cũng có. Khi chúng ta còn trẻ làm học trò, là vào thời kỳ kháng chiến, vào thời kỳ đó thật là bất an. Vào lúc đó chúng tôi làm học trò, học trò nhỏ, vào ngay thời kỳ đó, tôi nhớ lại lúc đó tôi là học sinh lớp ba, học trò nhỏ lớp ba, thế nhưng vào lúc đó thì học trò lớp năm, tiểu học đã có quân huấn, liền có quân huấn giáo quan, hiện tại trong trường học gọi là học quân sự. Trong quân huấn cũng là không có định kỳ, thường hay có tập hợp khẩn cấp, giáo quan vừa thổi còi, lập tức quần áo chỉnh tề liền đến thao trường để xếp hàng. Thường hay có những việc này xảy ra, quần áo ăn mặc rất chỉnh tề, bỗng nhiên nghĩ đến mũ nón đâu không thấy, đến khắp nơi đi tìm, tìm không thấy, liền đi hỏi các bạn học khác, bạn có thấy cái nón của tôi đâu không vậy? Bạn học đó liền chỉ trên đầu của bạn mà nói, trên đầu của bạn đội cái gì không phải nón sao? Sờ xem quả nhiên không sai. Cũng giống như thí dụ của Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, trong kinh Lăng Nghiêm nói “cái niệm ban đầu vô minh”, ngài liền nêu ra thí dụ này, “diễn nhược đạt đa, mê đầu nhận ảnh”, có nguyên nhân gì không? Không có nguyên nhân, bạn có thể tìm nguyên nhân không? Nón đội trên đầu mà quên mất, khi vừa khẩn trương thì hoảng loạn. Niệm thứ nhất là ý nghĩa như vậy, không có nguyên nhân, niệm thứ hai thì liền có nguyên nhân, liền có sanh nhân. Một niệm thứ nhất này của chúng ta sau khi khởi lên thì niệm niệm nối nhau, hai niệm ba niệm bốn niệm, niệm niệm nối nhau, thì liền có sanh nhân. Phật đối với việc này nói được rất tỉ mỉ, cho nên kinh điển bạn càng xem càng hoan hỉ, muốn thôi cũng không được, ở trong đó khởi phát trí tuệ chân thật của chính chúng ta.

Trong tự tánh của chúng ta có trí tuệ viên mãn, thế nhưng không có liễu nhân Phật tánh, duyên nhân Phật tánh, chân thật trí tuệ của chúng ta không thể hiển lộ ra. Cho nên kinh điển là duyên, ở trong tam nhân Phật tánh là duyên nhân, thiện tri thức cũng là duyên nhân. Có thiện tri thức, có kinh điển, làm cho trí tuệ chân thật trong tự tánh của chúng ta được dẫn khởi ra, vậy thì tốt! Để cho chúng ta đối với những sự việc này dần dần như trên kinh Phật nói là chúng ta có thể tiếp nhận, chúng ta có thể thể hội được, dần dần chúng ta cũng có thể ngộ nhập cảnh giới này, tuy là không phải cảnh giới chân thật, thế nhưng tiếp cận gần bên, ngày một được gần hơn, vì sao mà không hoan hỉ? Đối với sáu cõi ba đường, cự ly của chúng ta đối với nó càng ngày càng xa, an vui không gì bằng. Cho nên năng sanh vạn pháp chính là ngày nay chúng ta gọi là duyên khởi của vũ trụ, không phải vụ nổ lớn gì đó. Vụ nổ lớn thì nói không thông, trong đó có rất nhiều vấn đề. Phật nói cho chúng ta một niệm vừa hiện, nó không có trước sau, thật cũng giống như chúng ta xem thấy màn bạc của điện ảnh vậy, ống kính vừa mở ra, tấm phim liền được đèn chiếu đưa lên màn bạc là nhất thời xuất hiện, nhất định không thể nói cái hiện tượng này có trước, cái kia có sau, không phải vậy, xuất hiện một lúc. Hơn nữa trong đại thừa giáo nói rất rõ ràng, những hình tướng này “mỗi mỗi không như nhau”. Câu nói này bạn xem nói được rất hay, cũng giống như nói cái phim gốc của phim ảnh vậy, một tấm là một tấm, một tấm trước không phải là một tấm sau, một tấm sau không phải là một tấm trước, cho nên cái tương tục này không phải thật tương tục, gọi là tương tợ tương tục. Thật là tương tục thì phía trước cùng phía sau là như nhau, không hề có khác đi. Mỗi niệm không như nhau. cho nên đoạn phía sau chính là nói hiện tượng của y chánh, nó nói ba cái châu biến. Cái thứ hai nói xuất sanh vô tận, cái đó chính là biến hoá vô cùng, thật giống như cái ống vạn hoa. Dùng cái ống vạn hoa làm thí dụ chúng ta có thể thể hội, ống vạn hoa chúng ta thấy rất đơn giản, nó là động, Phật pháp chúng ta cũng nói động, bạn chỉ cần động, tâm động thì nó liền khởi thay đổi. Tâm động là khởi tâm động niệm, có phân biệt, có chấp trước, đó là quy nạp lại, nếu tỉ mỉ mà nói thì nói không hết. Hiện tượng sóng động rất phức tạp, không phải đơn giản như vậy, hiện tượng thô này thì cả thảy vũ trụ, ngoài địa cầu này ra chúng ta không nói, quá xa cách. Chúng ta chỉ tỉ mỉ mà quan sát cái địa cầu này, quan sát trước mắt chúng ta, bạn đối với áo nghĩa chân tướng vũ trụ Phật đã nói ở trong kinh điển, bạn liền có thể thể hội được.

Trong ý niệm có nhiễm có tịnh, có thiện có ác. Nhiễm tịnh thiện ác khác biệt rất lớn. Đã là có động thì nó liền có hình, nó liền có thức, biến hoá của hình thức vô lượng vô biên, vô số vô tận. Những chân tướng sự thật này lúc nào thì bạn có thể nhìn thấu? Sau khi nhìn thấu xuất hiện một cảnh giới vô cùng vi diệu, đó chính là bất nhị, nhiễm tịnh không hai, thiện ác không hai, thiên đường địa ngục không hai, sanh Phật không hai, chính là chúng sanh cùng Phật không hai. Không hai chính là một thể, nói rõ cả thảy vũ trụ y chánh trang nghiêm là một thể. Nếu như có thể vào được cảnh giới này thì quá tốt! Cảnh giới này gọi là gì? Chứng được pháp thân, trong tam nhân Phật tánh, chánh nhân Phật tánh xuất hiện, khẳng định liễu nhân cùng duyên nhân đầy đủ, bạn chân thật khẳng định một chút nghi hoặc cũng không có, cả thảy vũ trụ cùng chính mình là một thể. Vào lúc này tánh đức viên mãn của chúng ta hiện tiền. Trong tánh đức then chốt nhất là đại từ đại bi, trí tuệ chân thật đều hiện tiền. Sau khi hiện tiền bạn chuẩn bị làm thế nào? Khẳng định giống y như tất cả chư Phật quá khứ vậy, giáo hoá chúng sanh; dùng lời hiện tại của nhân gian chúng ta mà nói, bạn ở nhân gian này diễn xuất ở vai diễn nào? Bạn nhất định đóng vai một thầy giáo. Bạn thấy Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện với thân phận của thầy giáo, những tổ sư đại đức nhiều đời đều là thân phận của thầy giáo, khẳng định bạn sẽ làm như vậy. Bạn sẽ đem tất cả những vinh hoa quyền tước của thế gian, những lợi hại được mất này thảy đều xả được thật sạch trơn. Bạn dạy người buông bỏ, trước tiên chính mình phải buông bỏ; bạn muốn dạy người quay về tự tánh, vậy thì chính bạn phải chân thật quay về. Quay về cùng chúng ta thị hiện hiện tiền một chút xung đột cũng không có, đó gọi là ẩn hiện không hai. Như thế thì chúng ta mới có được thọ dụng chân thật, không còn có nghi hoặc, tham-sân-si-mạn nghi thảy đều đoạn dứt, trong kinh Đại thừa nói “Pháp thân, Bát nhã, Giải thoát” đích thực đạt được rồi, chính là có được thọ dụng, thế là không luận là hoàn cảnh thế nào, hưởng thụ của bạn là cảnh giới của chư Phật Bồ-tát. Người xưa Trung Quốc chúng ta đọc sách thường nói rằng: “Khổng Nhan chi lạc”, vui của Khổng Tử và Nhan Hồi, họ vui cái gì vậy? Vui là chân thật hiểu rõ đối với thật tướng các pháp, cái vui đó là thật, không bị bất cứ ảnh hưởng nào, không phải kích động của bên ngoài, là niềm vui từ trong nội tâm, từ trong nội tâm hiển lộ ra bên ngoài, cho nên đó là lợi ích chân thật của việc học tập kinh giáo Đại thừa, đó mới là lực nhiếp thọ chân thật. Vì sao nó có lực nhiếp thọ mạnh đến như vậy? Chúng ta ở nơi đây lộ ra cái điểm tin tức này.

Hôm nay thời gian đã hết rồi, chúng ta chỉ học tập đến đây thôi. A Di Đà Phật!

Thời gian: ngày 26 – 03 – 2009 ( tập 14)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không.

Địa điểm: Đài Truyền hình vệ tinh Hoa Tạng.

   -----------***********--------------