Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Pháp Ngữ khác của HT Tịnh Không

LÀM THẾ NÀO HÀNG PHỤC PHIỀN NÃO (Phần 2)

Thứ sáu - 14/06/2013 19:35
LÀM THẾ NÀO HÀNG PHỤC PHIỀN NÃO

(Trích lục từ Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thế Chủ Diệu Nghiêm Thứ Nhất)

Người giảng:                Lão Hòa Thượng Tịnh Không

Giảng tại:                      Báo Ân Đường Học hội Tịnh Tông Singapore

Thời gian:                     Tháng 08 năm 2000

Phần 2

Lớp bồi dưỡng chúng ta đã làm được ba năm rồi, có thể xem là có được chút thành tích, cũng nhận được sự khẳng định của quốc gia. Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc thương lượng với chúng ta, cùng nhau hợp tác, việc này tốt. Ngày 15 tháng 10 khai giảng, đó là phía Trung Quốc hợp tác với chúng ta. Chúng ta nhận học sinh chỉ nhận 30 người, có người hỏi vì sao không nhận nhiều một chút? Chúng ta không có nhiều thầy giáo đến như vậy, hiện tại nhận 30 người là được rồi. Phương pháp giáo học của chúng ta, nhìn chung không giống như trường học khác, chúng ta ba người là một lớp, một thầy giáo dạy ba học trò, cho nên họ đưa qua 30 học trò thì chúng ta mở mười lớp, chúng ta phải có 12 vị thầy giáo. Có hai  thầy giáo dự bị khi có thầy giáo bị bệnh hoặc có việc gì phải đi ra ngoài, chúng ta lập tức có thầy giáo thế vào. Chúng ta chuẩn bị 12 thầy giáo để mở mười lớp, cho nên ở đây không giống như cách dạy của nơi khác. Học sinh ở đây của chúng ta là mỗi một khóa, ngay trong một năm chỉ học một bộ kinh, không được học hai bộ, học bộ kinh đó phải có thể lên giảng đài giảng cho hay.

Trong ba ngày qua, buổi tối thời gian tiếp xúc với các vị ít, vì tiếp đãi một vị đồng tu phía bên nước Mỹ. Ông đến nơi đây thăm viếng Đại sứ của Trung Quốc đặt ở Singapore, đàm phán về vấn đề hòa bình thống nhất của đôi bên, đây là một việc tốt. Hôm nay ông đi rồi, tôi nghe nói hôm nay đến Đài Loan, ngày mai thì quay về Mỹ. Bởi vì ở Mỹ ông là người có quan hệ rất rộng, ông là một thương nhân. Tôi biết được ông cùng với tổng thống tiền nhiệm của Mỹ có quan hệ rất tốt, con của vị tổng thống này cũng đang ra tranh cử, cũng có quan hệ rất tốt với vị này, ông cũng quen biết rất nhiều vị trong nghị viện quốc hội Mỹ. Tôi thỉnh cầu ông là các học trò chúng ta sau khi tốt nghiệp, nhờ ông ở Mỹ xếp đặt cho họ tuần tự đi giảng kinh. Từ Canada đến nước Mỹ, học sinh chúng ta đến từng bang thành phố lớn giảng qua một lượt, sau đó trở về Trung Quốc thì cái nhìn của mọi người đối với các vị sẽ khác đi vì các vị là người giảng kinh ở nước ngoài về. Cho nên ở khắp các nơi trên toàn thế giới, tôi sẽ đến bố trí cho các vị, hy vọng khi đến mỗi quốc gia trên toàn thế giới giảng kinh, khi quay về Trung Quốc đi giảng, người ta không thể nói bạn là mê tín? Bạn xem, cái bạn giảng người ngoại quốc đều nghe, người ngoại quốc đều tin tưởng, hơn nữa mỗi lần bạn đến nơi nào giảng, chúng tôi đều thu hình cho bạn, băng thu hình thảy đều có thể lưu thông ở Trung Quốc. Mọi người nhất định phải chăm chỉ nỗ lực. Nếu bạn không chăm chỉ không nỗ lực, tương lai lưu thông băng thu hình của bạn, mọi người phê bình chỉ trích thì sẽ rất hỗ thẹn. Bạn chính mình nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập, tôi toàn tâm toàn lực giúp đỡ mọi người. Tôi đi tìm quan hệ nước ngoài, chỉ cần các vị cố gắng nỗ lực, tất cả vì để đem giáo học chí thiện viên mãn của Phật đà mở mang rộng lớn, không những cứu người Trung Quốc, cứu người phương Đông, chúng ta cũng phải cứu người phương Tây.

Người Phương tây có thể tiếp nhận Phật pháp hay không? Không vấn đề gì. Họ đến hỏi tôi, phương Tây là quốc gia Cơ Đốc Giáo, so với văn hóa của chúng ta căn bản là không hề giống nhau, họ hỏi tôi làm thế nào để giới thiệu? Tôi nói rất đơn giản mà, Thích Ca Mâu Ni Phật là hóa thân của Thượng Đế, vấn đề này chẳng phải đã được giải quyết rồi sao? Là người một nhà, không phải người hai nhà đâu, Thích Ca Mâu Ni Phật là hóa thân của Thượng Đế. Nếu nói với người bên đây của chúng ta, thì nói Thượng Đế là hóa thân của Thích Ca Mâu Ni Phật, vậy chẳng phải bình đẳng sao? Như vậy thì không có việc gì xảy ra? Thần ái thế nhân, Phật lấy từ bi làm gốc, lý luận quan niệm căn bản hoàn toàn giống nhau, mục tiêu cũng hoàn toàn giống nhau, nhưng phương pháp không như nhau là vì văn hóa phương Đông và phương Tây không đồng nhau, bối cảnh lịch sử không giống nhau, cho nên trên phương diện giáo học có sự khác biệt, nhưng lý luận quan niệm cơ bản và mục tiêu thì không hề khác biệt. Cho nên tất cả tôn giáo trên toàn thế giới có thể hợp tác. Ngày nay chúng ta đang làm công việc này, như vậy mới chân thật gọi là tâm đại bi, tâm đại từ bi. Từ bi, hai chữ này hàm nghĩa ở trong Phật pháp là, bi là cứu khổ, xem thấy chúng sanh khổ nạn, chúng ta phải cứu giúp họ; Từ là ban vui, ban vui chân thật nhất chính là dạy bảo, điều này chúng ta phải nhận biết cho rõ ràng.

Ngày nay chúng ta tiếp xúc với rất nhiều tôn giáo, Cư sĩ Lâm đã biến thành nơi hội nghị các tôn giáo. Các vị thường hay xem thấy, có rất nhiều tôn giáo khác ăn cơm ở lầu hai của Cư sĩ Lâm. Ở bên đó chúng ta cùng nhau đàm đạo, nói chuyện, đều có các tôn giáo khác. Họ đối với sự hưng vượng của Cư Sĩ Lâm, đối với tài nguyên của Cư Sĩ Lâm rất là tán thán. Có rất nhiều đại biểu tôn giáo đến nói với tôi, họ nói tài vật của các vị quá nhiều, dường như là không thể cùng tận. Còn có một số đại biểu nói, các vị có thể đem những tài chủ này giới thiệu cho chúng tôi mấy người được không? Cư sĩ Lâm khiến cho người rất ngưỡng mộ. Nếu đem so sánh với Cư sĩ Lâm thì họ tương đối khó khăn, bạn xem thấy có rất nhiều việc họ đều tìm chúng ta giúp đỡ. Thế nhưng người ta tìm đến chúng ta, chúng ta nhất định giúp đỡ, toàn tâm toàn lực giúp đỡ. Vào tháng trước, chúng ta giúp đỡ Hồi Giáo quyên tiền, thành tích rất khả quan, vượt ngoài dự tính của họ. Chúng ta phát động chín tôn giáo đi bộ từ thiện, dường như đi được 7 cây số, tôi cùng đi với mọi người. Sau đó ở bên đó chúng ta có 60 quầy hàng bán từ thiện, thành tích hôm đó tương đối khả quan. Nghe nói gần đây, Ấn Độ giáo cũng đến tìm tôi, tôi ủng hộ, tôi nói với họ đi tìm Lý Mộc Nguyên, tìm Lý Mộc Nguyên xem dùng phương thức gì? Họ cũng là trù bị kinh phí.

Các bạn bên Thiên Chúa giáo, Ki Tô giáo đến hỏi tôi là vì sao các vị có nhiều tiền đến như vậy? Tôi nói với họ, tôi nói Phật giáo nhiều tiền hơn so với các bạn, đó là một lẽ đương nhiên. Họ ngẩn người ra. Tôi nói các bạn thử nghĩ xem, mỗi một lần ăn cơm, không luận làm bất việc gì, đều ở nơi đó cầu nguyện Thượng Đế, xin Thượng Đế ban phước. Xin Thượng Đế ban phước là cứu giúp, các bạn dựa vào cứu tế đời sống đương nhiên là tương đối khó khăn, có phải vậy không? Dựa vào cứu tế thì đời sống có thể qua được, nhưng không thể phát tài. Phật thì không có cứu tế chúng ta, Phật dạy chúng ta làm thế nào để sản xuất, chúng ta có thu hoạch, cho nên chúng tôi nhiều hơn các bạn. Họ nghe rồi cũng cảm thấy rất kinh ngạc. Họ hỏi, Phật giáo của bạn sản xuất thế nào? Là bố thì, tài bố thí, bố thí được càng nhiều thì đến sẽ càng nhiều, đi nhiều đến nhiều. Nếu bạn không chịu bố thí thì bạn đành phải dựa vào sự cứu tế, không còn cách nào. Bạn xem, chúng tôi bố thí pháp. Tất cả những thứ mà các bạn xuất bản ra đều phải mua bằng tiền, hơn nữa phía sau còn in bản quyền sở hữu, không được phiên dịch in ấn, cho nên các bạn đương nhiên là khó khăn. Bên đây chúng tôi không có bán, toàn bộ đều là tặng cho, một người có thể lấy bao nhiêu thì cứ dốc sức mà lấy, chỉ cần bạn có thể mang đi nỗi thì bạn cứ tận lực lấy đi, chúng tôi tuyệt đối không hề hạn chế một người chỉ có thể mang đi vài đĩa, không hề vậy. Bạn có thể mang đi được bao nhiêu thì cố gắng lấy mang đi. Bởi vì chúng tôi làm như vậy nên giàu có hơn bạn thôi.

Họ phê bình chúng ta, nói các người không làm cô nhi viện, không làm viện dưỡng lão, những việc từ thiện trên đây dường như các người làm quá ít. Lý Mộc Ngyên trả lời họ rằng, Phật giáo chúng tôi mỗi một chùa miếu chính là Viện Dưỡng Lão, bạn đến Cư Sĩ Lâm xem thử, bạn sẽ thấy rất nhiều người già đang ở nơi đó làm công quả, rất nhiều người bảy mươi, tám mươi tuổi. Sáng sớm con cái của họ đi làm, đưa người già đến Cư Sĩ Lâm, buổi tối thì con cái đến rước họ về. Sinh hoạt của người già đều ở Cư Sĩ Lâm, người già cùng người già, bạn xem, họ một nhóm cùng nhau nói chuyện, nói được rất cởi mở, một mặt nói chuyện, một mặt niệm Phật, một mặt nghe kinh, một mặt làm công quả, họ đang vo gạo, đang rửa rau, đang rửa bát đĩa, làm công quả. Người già của chúng ta rất an vui, không giống như ở Viện Dưỡng lão của các bạn, mỗi một người già đều ngồi trên ghế đợi chết đến, chân thật là ngồi ăn đợi chết. Tôi xem thấy rất là đau lòng, tôi đã đi tham quan qua Viện Dưỡng Lão, cho nên tôi hiểu.

Còn các bạn nhỏ, hiện tại trong Cư Sĩ Lâm chúng ta có một Vườn Canh Tâm, có một lớp dành cho các bạn nhỏ, hiện tại có khoảng 700-800 các bạn nhỏ. Mỗi một tuần lên lớp một lần, chúng ta dạy luân lý đạo đức, dạy chúng cách để làm người. Cho nên hiện tại những bạn nhỏ đó, bạn thấy chúng đều rất đáng yêu, chúng nhìn thấy người đều biết chắp tay niệm A Di Đà Phật, đều rất có lễ phép, hiểu được hiếu thuận cha mẹ, tôn trọng người lớn. Chúng ta cũng đều đang làm, trên thực chất là vẫn đang làm, thế nhưng người bên ngoài hiểu quá ít đối với chúng ta, cũng chính là nói, chúng ta không chú trọng tuyên truyền, chúng ta chỉ chú trọng nỗ lực mà làm. Vì mặt bằng cho lớp bồi huấn nơi đây của chúng ta không đủ dùng, cho nên hiện tại thuê lại phía bên Dụ Lang một cái kho xưởng công nghiệp, ba tầng diện tích rộng đến 24 ngàn mét, vì thế rất là rộng lớn. Ngay trong quan niệm của đồng tu Đài Loan đó là bình số, 24 ngàn mét đại khái có hơn 800 bình số, cho nên lớp bồi huấn của chúng ta tương lai dọn qua bên đó. Hiện tại công xưởng nhỏ làm VCD bên đây chúng ta cũng sẽ dọn qua bên đó, nơi đây tương lai hoàn toàn là làm ký túc xá cho học viên. Những việc này, cư sĩ Lý Mộc Nguyên đang tính mỗi ngày, đang quy hoạch mỗi ngày.

Qua tết năm nay, những hoạt động lớn vẫn giống như năm trước, chúng ta phải cử hành một buổi kỳ nguyện hòa bình của Thiên Hỷ Niên. Thành thật mà nói, năm nay mới chân thật là năm Thiên Hỷ. Các vị tính xem, nói chung khi đến 1000 mới là số đủ, 1001 một đến 2000 mới là số tròn, tóm lại không thể đem 999 xem thành số đủ, thiếu một đồng bạn cũng không chịu làm, năm nay mới là năm 2000, cho nên năm 2001 là cuối của một năm Thiên Hỷ. Do đó năm Thiên Hỷ này chúng ta còn phải mở rộng hơn năm trước. Năm trước chúng ta tổng cộng đã mời hơn 8000 khách quý, năm nay tôi nghe cư sĩ Lý Mộc Nguyên nói với tôi, dự tính mời đến 12.000 ngàn người. Điều này rất tốt! Cho nên hiện tại đã đang trù hoạch, đang trù bị. Thiên Hỷ Niên năm nay, chín tôn giáo lớn của Singapore chủ động tham dự, tất cả mọi người đều đang trù bị ngân sách. Hai năm trước, nhân lực, tài lực, vật lực của Cư Sĩ Lâm chúng ta tự mình trù bị để làm, năm nay do chín tôn giáo lớn cùng làm, cho nên số người nhất định sẽ tăng thêm. Chúng ta đối với khách nước ngoài cũng đã mời rất nhiều, đây là một hoạt động lớn, là một hoạt động hòa bình an định, nhân dân hạnh phúc cho toàn thế giới. Ngoài hoạt động này ra, chúng ta còn hiệp trợ chín tôn giáo của Singapore đi thăm viếng các nơi trên thế giới. Tháng 5 năm nay, chúng ta thăm viếng Trung Quốc rất là thành công, thế nên tháng 10 có thể viếng thăm Úc Châu một lần, năm tới chúng ta có kế hoạch thăm viếng Châu Mỹ, thăm viếng Châu Âu.

Chúng ta làm việc phải xuất phát từ mục đích hợp tác tôn giáo thế giới, hòa thuận chủng tộc. Tôi tiếp xúc tất cả tôn giáo, tôi đều nhắc đến cho họ một tin tức quan trọng là tất cả tôn giáo đều là giáo dục xã hội Đa Nguyên Văn hóa của thần Thánh, không phải chỉ là Phật giáo, mà mỗi một tôn giáo của các bạn cũng đều là vậy. Nếu như chúng ta đem phương hướng này cùng chuyển lại, đều chuyển biến thành giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa thì đó là việc rất tốt. Việc này cống hiến rất lớn đối với xã hội, hy vọng mọi người đi vào cái khung của tôn giáo mình, hợp tác cùng với mỗi tôn giáo khác nhau, chủng tộc khác nhau trên toàn thế giới. Hiện tại do vì giao thông thuận tiện, thông tin phát triển, địa cầu đã biến thành một cái thôn trang, mọi người qua lại rất là mật thiết, không nên phân chia kia đây, mà phải hỗ trợ hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, thì trên cái địa cầu này, thiên tai nhân họa mới có thể tiêu trừ. Việc này phải từ nơi người lãnh đạo các tôn giáo, truyền giáo sư của các tôn giáo, chúng ta cùng nhau làm “Đại Bi Cứu Vật Linh Thanh Tịnh”. Không chỉ riêng Phật giáo đồ nhà Phật, bao gồm tất cả tín đồ tôn giáo, đều phải dùng việc giáo hóa này, đều phải có quan niệm lý luận này, vì chúng sanh, vì xã hội, vì nhân dân tạo phước, không nên vì chính mình. Nếu như vì chính mình thì không thể hợp tác, xả mình vì người thì làm gì có chuyện không thể hợp tác chứ? Cho nên tôi cũng thường hay nhắc nhở tín đồ các tôn giáo là, người tín ngưỡng Phật giáo thì nhất định phải học tập với Thích Ca Mâu Ni Phật, người tín ngưỡng Ki Tô giáo thì nhất định phải học tập Giê Su, người tín ngưỡng Hồi giáo thì nhất định phải học tập Thánh A La. Những người này đều là xả mình vì người, đều là không có tâm riêng tư, các Ngài có thể hợp tác; chúng ta lấy các Ngài làm tấm gương, noi theo các Ngài thì chúng ta cũng có thể hợp tác. Quan niệm lý luận này rất quan trọng. Có rất nhiều người hỏi tôi, cách nghĩ của tôi từ đâu mà ra vậy? Tôi nói với họ, đều là từ trong Kinh Hoa Nghiêm. Tất cả tư tưởng ngày nay của chúng ta, ngôn luận, việc làm, đều là thực tiễn Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh mà thôi. Phật dạy chúng ta làm như thế nào, chúng ta phải nên chăm chỉ nỗ lực mà làm, vậy thì đúng thôi.

---------

Mời mở kinh văn, xem từ câu kệ thứ sáu của Khẩn Na La Vương: “Như Lai nan khả đắc kiến văn, chúng sanh ức kiếp thời nãi ngộ, chúng tướng vi nghiêm tất cụ túc, thử lạc kiến vương chi sở đổ”. Đây là tán thán của Phổ Nhạc Khẩn Na La Vương, cũng là nói lên tâm đắc của họ. Thế nhưng pháp môn của họ tu tập là thị hiện tất cả diệu sắc thân, chúng ta gọi là tướng hảo trang nghiêm. Hai câu phía trước, chúng ta phải nên đặc biệt cảnh giác cùng quý trọng. Trong kinh luận Phật thường nói: “Thân người khó được, Phật pháp khó nghe”, hai câu nói này, chúng ta rất không dễ gì thể hội. Trong kinh Phật dùng rất nhiều thí dụ để giảng cho chúng ta nghe, nói rõ trong sáu cõi cơ hội được thân người là rất khó, có rất nhiều thí dụ, mọi người đều biết. Thí dụ như nói là “đất trên móng tay, đất dưới đại địa”, việc này rất nhiều pháp sư giảng kinh đều thường dùng. Đó là có một hôm, Thế Tôn ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, từ dưới đất hốt lên một nắm đất, sau khi hốt lên rồi thì rải lại lên đất, trong móng tay đương nhiên là vẫn còn một ít đất, không thể hoàn toàn rải hết sạch. Học trò xem thấy lão sư làm như vậy thì liền hỏi, thưa hỏi với Thế Tôn Ngài làm như vậy là có ý gì? Phật liền nói với mọi người, Ngài nói sau khi mất đi thân người rồi thì khó thể có lại được thân người, giống như đất trên đại địa, cũng giống như ta đem nắm đất rải lên trên đất nhiều như vậy, có thể được lại thân người giống như đất còn sót lại trên đầu móng tay mà ta rải chưa hết. Việc này nói rõ, thân người mất đi lại được thân người, cơ hội này quá khó. Cái thí dụ này nói đến rất nhiều, mọi người cũng dễ dàng thể hội.

Ngoài ra còn có một thí dụ gọi là rùa mù gặp bọng cây, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói thí dụ này. Ngài thí dụ rằng, có một con rùa bị mù mắt, con rùa bị đui cả hai mắt ở dưới đấy biển, nó đưa cái đầu lên khỏi mặt nước, trên mặt nước có một khúc cây, ngay giữa khúc cây có một cái lỗ, khi nó đưa cổ lên thì vừa vặn gặp được cái lỗ đó. Cái cơ hội này còn khó hơn nhiều so với đất trong móng tay, làm gì có may mắn đến như vậy? Biển to lớn vậy, khi nó vừa ló đầu lên thì vừa vặn gặp được bọng cây đó để chui vào, việc này thí dụ cho việc được thân người cũng khó như vậy. Vẫn còn một thí dụ nữa, việc này mọi người đều đã biết, gọi là Tu Di sỏ kim. Ở trên núi Tu Di thòng xuống một sợi chỉ, bên dưới có một cây kim thêu, sợi chỉ đó thòng xuống vừa vặn sỏ qua được lổ kim. Các vị không cần nói đến núi Tu Di, chỉ cần ở trên tòa lầu 5 tầng thòng một sợi chỉ xuống, ở dưới lầu bạn để một cây kim thêu, bạn thử sỏ xem, cho bạn thời gian một ngày 24 giờ, xem xem có thể sỏ thử một sợi qua hay không? Đây đều là ví dụ thân người dễ mất mà khó được, nếu bạn hiểu rõ được sự thật này thì bạn mới biết trân trọng thân người. Cho nên có người không biết thương tiếc chính thân mình mà đi tự sát, cái tội đó thật là quá nặng. Bạn thử nghĩ xem, bạn không thương tiếc nó mà hủy hoại nó thì việc này chính là tội lỗi. Cho nên một người ở thế gian, cho dù gặp phải thất bại lớn đến như thế nào đi chăng nữa cũng không nên có ý niệm tự sát, phải nên phản tỉnh, tìm cho ra cái nguyên nhân thất bại này, tiêu trừ nguyên nhân thì liền có thể gặp hung hóa kiết, thì liền có thể tiêu trừ chướng ngại, đó là trí tuệ.

Được thân người khó đến như vậy, được thân người lại được gặp Phật pháp thì càng khó hơn, khó chồng thêm khó, cho nên trên kệ khai kinh có nói là “trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”. Kệ khai kinh này chính là vì mở đầu cho Kinh Hoa Nghiêm, do Võ Tắc Thiên đề. Sau khi bà đề bài kệ khai kinh này rồi, ngay trong hơn một ngàn năm qua, văn nhân học giả, pháp sư đại đức xuất gia muốn làm một bài kệ khai kinh mới cũng không cách gì so sánh được với bà. Cho nên mãi đếm hôm nay đều dùng bốn câu kệ này của bà, vì có làm cũng làm không được viên mãn giống như của bà. “Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”, có được duyên phận này không dễ dàng gì. Được thân người thật đáng quý ở chỗ chính là nghe Phật pháp, nếu như được thân người không thể nghe được Phật pháp thì kiếp người này có ý nghĩa gì chứ? Vẫn phải tiếp tục đọa lạc sáu cõi luân hồi. Chúng ta chính mình cần phải nhận biết, ở trong sáu cõi nhất định là thời gian thời gian của ba đường ác dài, thời gian của ba đường thiện rất ngắn. Bạn muốn hỏi vì sao vậy phải không? Đạo lý này không khó hiểu! Trong tâm của bạn là tâm thiện, ý niệm thiện, hành vi thiện, thì bạn mới có thể được quả báo của ba đường thiện; Nếu như chúng ta khởi tâm động niệm, ý niệm của chúng ta là niệm ác, tư tưởng là tư tưởng ác, hành vi là hành vi ác, thì đó chính là nghiệp nhân của ba đường ác, không cần suy nghĩ nhiều. Bạn nghĩ xem, chúng ta từ sớm đến tối, sáng sớm thức dậy đến lúc đi ngủ một ngày như vậy, ngay trong mười mấy giờ đồng hồ, khởi tâm động niệm của chúng ta là niệm thiện nhiều  hay là niệm ác nhiều? Như vậy thì bạn liền biết được tương lai chính mình. Đây mới mười mấy giờ đồng hồ còn như vậy. Nếu như là niệm ác nhiều, niệm thiện ít, nếu khởi tâm động niệm tư tưởng hành vi cả đời của chúng ta, mỗi niệm đều là hại người lợi mình thì quyết định đọa vào ba đường ác.

Tiêu chuẩn của thiện ác, Phật nói căn bản nhất là năm giới mười thiện, đây là tiêu chuẩn của thiện ác. Nếu như tư tưởng hành vi của chúng ta trái với ngũ giới, tương ưng với mười ác, thì ắt sẽ đọa vào đường ác. Ngay trong một đời này của chúng ta, tâm hạnh có thể tương ưng với năm giới, tương ưng với mười thiện, thì đời sau còn có thể có lại được thân người. Việc này rất quan trọng, đây mới là một việc lớn nhất. Trong một đời này của chúng ta, được thân người có tốt không vậy? Được thân người nếu như không thể lợi dụng cơ duyên này để vượt khỏi ba cõi, thoát khỏi sáu đường, đi làm Phật, làm Bồ Tát, thì chúng ta tuy là có được thân người rồi, không cố gắng tận dụng vẫn là đáng tiếc. Thế nhưng sự việc này nhất định phải gặp được Phật pháp, giống như ngay đây Bồ Tát đã nói: “Như Lai nan khả kiến văn”. Chư Phật Như Lai không dễ gì gặp được, “chúng sanh ức kiếp mới được gặp”, lời nói này là thật, không phải là giả.

Vào thời xưa, kiếp là đơn vị thời gian của người Ấn Độ xưa nói, hiện tại các nhà khoa học gọi đơn vị thời gian lớn nhất là năm ánh sáng, dùng tốc độ đi của ánh sáng gọi là năm ánh sáng. Đơn vị thời gian Ấn Độ xưa gọi so với ngày nay vẫn lớn hơn, thời xưa dùng kiếp làm đơn vị. Kiếp có tiểu kiếp, có trung kiếp, có đại kiếp. Tiểu kiếp cũng có rất nhiều cách nói, thường được nghe nhất gọi là tăng diệt kiếp. Phật nói thọ mạng của con người, ngắn nhất là mười tuổi, khi con người đến mười tuổi thì lại tăng dần lên, mỗi một trăm năm tăng thêm một tuổi, tăng đến 84.000 tuổi. Tuổi thọ của con người dài nhất là 84.000 tuổi, đến 84.000 tuổi rồi thì liền dần giảm xuống, mỗi một trăm năm giảm xuống 1 tuổi, và cứ như vậy giảm xuống còn mười tuổi. Một lần tăng một lần giảm thì gọi là một tiểu kiếp, 20 tiểu kiếp thì là một trung kiếp, bốn trung kiếp thì gọi là một đại kiếp, đây là tính thời gian. Trong Tam giới thì tuổi thọ dài nhất là cõi trời Vô Sắc giới. Trời Vô sắc giới có bốn tầng, tầng trên cao nhất là trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, tuổi thọ là 80.000 đại kiếp. Chúng ta nghe đến cái số tự này, có thể nói là không thể nghĩ bàn.

Cõi trời Dục Giới gần với chúng ta nhất, cõi Dục giới gần nhất là trời Tứ Thiên Vương. Các vị đến Tự Viện Am Đường, xem thấy nơi cửa có thờ Điện Thiên Vương, thờ Tứ Đại Thiên Vương, tục gọi là Tứ Đại Kim Cang, kỳ thực đó là Tứ Đại Thiên Vương. Cõi trời Tứ Thiên Vương này rất gần với chúng ta. Phật đã nói, tuổi thọ của trời Tứ Thiên Vương dài hơn so với chúng ta nhiều, một ngày của trời Tứ Thiên Vương là 50 năm của nhân gian chúng ta, con người chúng ta sống được 100 tuổi thì ở trời Tứ Thiên Vương xem ra chỉ có 2 ngày, tuổi thọ của họ 500 tuổi. Họ cũng tính theo cách tính của chúng ta, một năm 365 ngày, thế nhưng bạn phải ghi nhớ, một ngày của họ là 50 năm ở nhân gian của chúng ta, như vậy thì bạn liền biết được tuổi thọ của họ dài, phước báo rất lớn, nhân gian chúng ta không cách gì so sánh được với họ. Lại thêm một tầng cao hơn là trời Đao Lợi, người Trung Quốc chúng ta gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế. Phước báo của Đao Lợi Thiên Vương còn lớn hơn nhiều so với Tứ Thiên Vương. Một ngày của Đao Lợi Thiên là một trăm năm nhân gian chúng ta, tuổi thọ một ngàn tuổi, chỗ này chúng ta có thể tính toán ra được. Lại hướng lên trên nữa thì đều là tăng thêm gấp bội. Một ngày của trời Dạ Ma là 200 năm ở nhân gian chúng ta. Trời Đâu Suất là tầng thứ tư (Bồ Tát Di Lặc hiện tại đang ở trời Đâu Suất), một ngày của trời Đâu Suất là 400 năm nhân gian chúng ta. Cho nên người ở trời Đâu Suất xem tuổi thọ người thế gian này của chúng ta giống như chúng ta xem tuổi thọ của loại trùng nhỏ vậy. Giống thứ gì vậy? Loài Phù Du trên mặt nước, tuổi thọ chỉ có mấy giờ đồng hồ thì hết, đích thực là như vậy. Một ngày của họ là 400 năm của nhân gian.

Ngày nay chúng ta dùng đơn vị thời gian để tính đếm là dùng tiểu thời của ngoại quốc, một ngày 24 giờ, một phần tư ngày là sáu giờ đồng hồ. Chúng ta sống 100 tuổi thì người ở trời Đâu Suất mới có sáu giờ đồng hồ, nếu như mới 50 tuổi đã chết rồi thì thật đáng thương, chỉ sống có ba giờ đồng hồ. Bạn thử nghĩ xem, tuổi thọ của người trời Đâu Suất là 4000 tuổi, một ngày là 400 năm nhân gian chúng ta, cho nên Bồ Tát Di Lặc lúc nào thì xuống đây vậy? Chính là dùng thời gian này để tính. Bồ Tát Di Lặc hiện tại đang ở trời Đâu Suất, đợi đến tuổi thọ ở cõi trời Đâu Suất hết rồi, chính là thọ hết 4000 tuổi nơi đó, một ngày là 400 năm nhân gian chúng ta, cứ như vậy mà tính ra thì nhân gian chúng ta đại khái khoảng năm mươi sáu ức bảy trăm vạn năm nữa, Phật Di Lặc mới giáng sanh đến thế gian chúng ta thị hiện thành Phật. Hiện tại có rất nhiều người nói Bồ Tát Di Lặc đã thành Phật, đó là giả, việc đó không phải là thật. Lời nói đó không tìm thấy trên kinh Phật. Chúng ta nhất định phải y theo Phật nói với chúng ta trong Kinh Di Lặc Thượng Sanh, Kinh Di Lặc Hạ Sanh. Phật pháp nhất định phải có kinh điển làm chứng cứ xác thực, không thể tùy tiện mà nói. Cho nên bạn phải đem những việc này làm cho rõ ràng, làm cho thông suốt thì mới biết được, thời gian con người ở thế gian này rất ngắn ngủi, thế nhưng rất là đáng quý. Trong sáu cõi, con người có thể vượt tam giới, thoát sanh tử, làm Phật làm tổ, là một cơ duyên tốt nhất. Hôm nay chúng ta gặp được rồi, đó là “ức kiếp mới được gặp”, ngày nay chúng ta gặp được rồi, chúng ta được thân người, cũng đã được gặp Phật pháp thì có thể có được thành tựu hay không? Việc này hoàn toàn ở chính mình, không ở nơi người khác.

Chúng ta tu học tham khảo Phật pháp nhiều năm như vậy, đạo lý, phương pháp này rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo thì có được thành tựu hay không? Then chốt là chính mình có thể khắc phục phiền não tập khí của chính mình hay không? Có đồng tu nói với tôi, phiền não tập khí không dễ gì khắc phục và đến hỏi tôi phải làm sao? Khó khắc phục thì sao? Thì tiếp tục đọa luân hồi thôi, tiếp tục đi vào đường ác, chỉ có con đường này, ngoài con đường này ra còn có con đường nào nữa đâu? Nếu bạn biết ba đường là khổ, biết được được thân người nghe được Phật pháp là cơ duyên quá khó, bạn phải nên hạ quyết tâm phải buông bỏ tự tư tự lợi, cần thiết phải biết vô lượng kiếp đến nay, ai đã làm cho chúng ta thành ra như thế này? Chính cái ý niệm tự tư tự lợi đã hại bạn. Chân thật giác ngộ rồi thì sẽ không làm nữa, không bị cái hại này. Khởi tâm động niệm là vì tất cả chúng sanh, nhất định không vì chính mình thì đúng rồi. Chỉ cần đem cái ý niệm này chuyển đổi lại, siêu phàm nhập thánh. Khác biệt của phàm và thánh chính là ở một niệm, một niệm mê thì chính là phàm phu, chính là sáu cõi luân hồi; một niệm giác chính là pháp giới nhất chân, chính là thế giới Cực Lạc. Nhất định phải giác ngộ, chính mình phải khẳng định, phải nhận biết. Không giác ngộ thì là tiếp tục phải luân hồi, bạn nhất định không tránh khỏi khổ báo của ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, bạn không thể tránh khỏi. Việc này không phải hù dọa người, đó là chân tướng sự thật.

Những sự tướng này từ do đâu mà ra? Đều là từ vọng tưởng phân biệt chấp trước của chính mình mà biến hiện ra, giống như mọi người khi nằm ngủ đều sẽ nằm mộng. Mộng từ do đâu mà ra? Cảnh mộng biến hiện ra từ vọng tưởng phân biệt chấp trước của chính mình. Sáu cõi luân hồi cũng là do vọng tưởng phân biệt chấp trước biến hiện ra. Phật nói cảnh mộng không thật, nó là giả. Chúng ta sau khi tỉnh dậy thì biết đó là giả. Phật nói sáu cõi cũng không thật, “phàm hễ có tướng đều là hư vọng, tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bào ảnh”, Phật thấy không hề sai. Thế nhưng bạn bất giác nên mê ở trong đó, bạn thật bị cái khổ đó. Khi nằm mộng, gặp một con cọp muốn ăn thịt bạn, làm cho toàn thân bạn toát cả mồ hôi lạnh vì bạn không biết đó là giả. Nếu như bạn có thể biết được đó là giả, thì ta đã học Phật rồi, xả thân nuôi hổ, vậy thì bạn rất tự tại, rất an vui thôi. Giữa mê và ngộ chỉ là, giác ngộ rồi thì có thể xả, khi mê rồi thì không thể xả. Khi ngộ thì liền có thể xả, triệt để xả bỏ, ngay đến thân cũng không thể lưu luyến. Thân này là giả, không phải là thật, trên Kinh Bát Nhã giảng rất rõ ràng. Những đại đạo lý này cùng chân tướng sự thật, ngay trong một đời này của chúng ta tỉ mỉ mà thể hội, tỉ mỉ mà quan sát, sau đó mở Phật kinh ra để đối chiếu thì bạn sẽ phát hiện, quan sát của bạn, thể hội của bạn so với trên kinh Phật đã nói hoàn toàn tương ưng, không hề khác biệt. Như vậy chúng ta mới chân thật bội phục Thích Ca Mâu Ni Phật từ đáy lòng là Ngài có trí tuệ chân thật, giáo huấn của Ngài là chân thật. Câu thứ ba chúng ta phải nên học tập, hai câu này phía trước là nhắc chúng ta phải nên cảnh giác, biết được đãi ngộ ngay trong một đời này của chúng ta là hi hữu khó gặp, phải trân trọng, không nên để lỡ qua.

“Chúng Tướng vi nghiêm tất cụ túc”, Bồ Tát quán Phật, Phật có vô lượng tướng, tướng có vô lượng vẻ đẹp, quán sát Quả Địa Như Lai y chánh trang nghiêm, bạn xem thân tướng của các Ngài, bạn xem hoàn cảnh sinh hoạt của các Ngài, vậy thì câu này chính là đã nói trong bộ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm này. Ở trong  bộ kinh này Phật nói với chúng ta y chánh trang nghiêm của Phật Tỳ Lô Giá Na, đặc biệt là khi mở đầu quyển thứ 12, từ quyển thứ nhất đến quyển thứ 12 triển khai ra. Hiện tại chúng ta niệm từng câu từng chữ đều là từ “tướng vi nghiêm cụ túc”, chúng ta phải từ ngay nơi đây mà học tập. Đây là thuộc về quả đức. Quả ắt có nhân. Từ nơi quả đức xây dựng tín tâm của chúng ta, đó là phương thức mà Phật dùng khi nói pháp nên gọi là phương tiện khéo léo. Trước tiên Phật đem quả báo để cho bạn xem, giúp cho bạn xây dựng tín tâm, bạn thấy được quả báo  này thù thắng đến như vậy, bạn sẽ rất ngưỡng mộ, bạn cũng muốn đạt được, sẽ khiến bạn phát khởi nghi vấn. Khi bạn thưa hỏi thì Phật liền trả lời cho bạn, mỗi một loại quả đều có nhân và duyên của nó. Nhân duyên của ác đạo bạn biết được rồi thì bạn liền sẽ hồi đầu, bạn sẽ không còn tạo tác, như vậy bạn sẽ vĩnh thoát đường ác. Nhân duyên trong đường thiện bạn thông hiểu rồi, bạn rất ngưỡng mộ, bạn liền hoan hỷ, nỗ lực mà học tập thì quả báo thiện bạn liền có thể đạt được. Một người hiểu rõ đạo lý này, biết được phương pháp này, phát tâm tất cả vì chúng sanh, tất cả vì xã hội, tất cả vì nhân dân, không hề có chút ý niệm vì chính mình, bạn hành Bồ Tát đạo sẽ dễ dàng thuận tiện, cho dù có trở ngại cũng rất dễ dàng hóa giải, không luận là ở thuận cảnh, ở nghịch cảnh, thiện duyên hay là ác duyên, bạn đều tự tại, bạn đều tràn đầy trí tuệ.

Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: Phật tử Diệu Hiền

(Còn tiếp)

Tác giả bài viết: Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ

Nguồn tin: TinhKhongPhapNgu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 196


Hôm nayHôm nay : 34617

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 983829

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43227973

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.