Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Làm thế nào để trở thành một người tốt chân thật đúng như Pháp

Làm Thế Nào Để Làm người Tốt Như Pháp (Tập 15)

Chủ nhật - 03/07/2016 11:14

Chào buổi tối các vị bằng hữu!

Chúng ta vừa mới nhắc đến: “Trưởng ấu hữu tự”, chính là anh em yêu thương nhau, cũng đã nêu ra một số ví dụ điển hình của Thánh Hiền ngày xưa. Có thể cảm nhận được tình cảm anh em của các bậc Thánh Hiền ngày xưa thật là sâu nặng, có thể vì anh em mà xả bỏ cả sanh mạng của mình, huống chi là những tài vật, những thứ khác ở ngoài thân, đều có thể vì tình anh em mà biết nhường nhịn, biết buông bỏ. Cho nên, việc này đáng để cho chúng ta học tập, noi theo.

Chúng ta có thể xem qua đầu đề của một bài thơ miêu tả lại tình cảm anh em. Đoạn thơ này rất thú vị. Đoạn thơ nói: “Huynh đệ liên chi các tự vinh”.

Chúng ta xem câu thứ nhất: “Huynh đệ liên chi các tự vinh”. Huynh đệ ở đây là anh chị em ruột được sinh ra từ cùng cha mẹ. Cho nên giống như cây đại thụ vậy, nó sẽ mọc ra rất nhiều cành nhánh, mỗi mỗi đều phát triển, mỗi nhánh đều có thể vươn dài ra, đều có cành lá sum xuê.

Câu thứ hai: “Ta ta ngôn ngữ mạc thương tình”. Chính là lời nói giữa anh em với nhau phải nên hòa thuận một chút, không nên quá hung hăng, không nên vì lời nói không thỏa đáng mà sinh ra xung đột. Chúng ta đều biết giữa con người với nhau dễ dàng xảy ra xung đột nhất là gì hay không? Chính là lời nói. Vì vậy, muốn tập công phu nhẫn nại phải bắt đầu từ chỗ nào? Từ việc cẩn trọng lời nói, từ nói năng cẩn thận mà bắt đầu. Cho nên: “Ta ta ngôn ngữ mạc thương tình”. Khi giữa anh em với nhau có sự xung đột về lời nói xảy ra, chỉ cần có một bên chịu nhường một bước, có thể nhẫn một chút thì sẽ trời yên biển lặng. Khi bạn có thể nhẫn được, đợi đến khi tình hình tương đối lắng dịu trở lại thì họ sẽ nghĩ đến thái độ của họ là không thỏa đáng, cho nên ngược lại sẽ sinh ra tâm hối hận. Có như vậy thì mối quan hệ mới không bị phá vỡ, thậm chí các anh em sẽ sinh ra cái tâm cung kính khâm phục đối với bạn, bởi vì bạn lúc nào cũng có thể nhẫn nhường. Cho nên phải lấy đức mà phục người, phải lấy đức để làm cho anh chị em thấy nể phục, như vậy mới gọi là “Ta ta ngôn ngữ mạc thương tình”.

Câu tiếp là: “Nhất hồi tương kiến nhất hồi lão”. Sau khi chúng ta được ba mươi - bốn mươi tuổi, cảm giác này sẽ rất mãnh liệt, mỗi lần gặp nhau (có thể là một năm gặp được không tới hai - ba lần) dường như nếp nhăn trên mặt đều nhiều hơn một chút, hoặc tóc bạc sẽ nhiều hơn. Bởi vì năm tháng làm con người già đi, cho nên phải trân quý cơ hội thân mật hữu ái giữa anh em với nhau. Cho nên: “Nhất hồi tương kiến nhất hồi lão, năng đắc kỷ thời vi đệ huynh”. Từ câu nói này chúng ta cảm nhận được, con người thời xưa rất xem trọng tình cảm anh em.

Nhà nọ có ba anh em, mỗi lần các anh em gặp nhau thì nhất định ba anh em đều ngủ chung một giường. Họ thân đến nỗi các cô vợ cũng cảm thấy ghen tỵ, vì vậy tình cảm anh em này khiến cho chúng ta phải ngưỡng mộ.

“Đệ huynh đồng cư nhẫn tiện an”. Có thể nhẫn nhịn được. Trong “Đệ Tử Quy” có nói: “Tài vật nhẹ oán nào sanh”. Khi bạn đối với tiền tài vật chất mà biết lễ nhường thì sẽ không dễ gì xảy ra xung đột. Chúng ta xem trong tiếng Trung Quốc, chữ “tài” này là tài của “tài vật”. Nó lại hàm chứa một ý nghĩa khác, đó là “tài” ở trong “mộc tài”, nghĩa là củi gỗ khi đủ dùng, đủ để sử dụng. Khi đống củi của bạn chất đống rất nhiều, rất có thể do phơi nắng nhiều quá có thể khiến cho nó dễ dàng tự bốc cháy. Cho nên, khi gỗ của bạn quá nhiều thì nó dễ dàng bị bốc cháy. Khi bạn chỉ biết thu gom tiền bạc thì thực tế phúc phần của bạn đang bị hao tổn, đang tổn phước. Khi bạn có động tác thu gom này thì con cái của bạn sẽ học được một cách triệt để, về sau tài vật của bạn có còn giữ được nữa hay không? Con người phải biết suy nghĩ lâu xa. Trong khi đời trước chúng ta biểu diễn ra chỉ biết tranh đoạt tài sản thì đời sau của chúng ta sẽ học tập một cách triệt để.

Chúng ta nói tài sản năm nhà cùng có, hỏa tai sẽ muốn tiền của bạn, thủy tai cũng muốn tiền của bạn. Vậy xin hỏi hiện tại thiên tai có nhiều hay không? Nhiều. Thủy tai, hỏa tai đều thuộc về thiên tai. Vì sao tai nạn lại nhiều đến như vậy? Vì nhân tâm của chúng ta đã thiếu đi sự giáo hóa. Những người giàu có hiện tại trong tâm của họ có cảm thấy thiết thực hay không? Cũng rất khó thấy thiết thực. Bởi vì hiện tại thiên tai nhân họa quá nhiều, tiền tài này rất dễ dàng bị mất đi, cho nên phương pháp giữ tiền mới thật sự rất quan trọng.

Trong những năm đầu Dân Quốc, cháu trai của ông Tăng Quốc Phiên là ông Nhiếp Vân Đài đã có một khoảng thời gian sống mấy mươi năm ở Thượng Hải. Thượng Hải là nơi con người phát tài và phá sản rất rõ. Ông Nhiếp này đã đem chân tướng sự thật đã nhìn thấy được trong mấy mươi năm này dùng bút ghi chép lại. Nhìn thấy có người có lúc giàu có vào hàng bậc nhất mà đến sau cùng cũng bị phá sản, cho nên liền nêu ra đạo lý làm thế nào thật sự có thể nắm giữ được tiền bạc. Cho nên chúng ta chăm lo cho một gia đình, rốt cuộc làm thế nào để giữ gìn được tiền bạc của chúng ta, cái lý này bạn không thể không biết.

Có một ông họ Chu nhà rất giàu có, rất có điều kiện, vả lại còn mở rất nhiều chi nhánh trên cả nước. Tổng tài sản của họ có đến mấy triệu lượng vàng. Chủ quản một chi nhánh của ông đã lấy 500 lượng để cứu tế, bởi vì địa phương nơi đó xảy ra thiên tai. 500 lượng có nhiều hay không vậy? Người có mấy triệu lượng, chỉ lấy ra có 500 lượng mà bị ông chủ họ Chu đó mắng như tát nước vào mặt: “Tiền là của tôi mà anh dám lấy đi quyên góp”. Sau khi mắng như vậy xong, về sau vị chủ quản này còn dám bố thí nữa hay không? Sẽ không dám. Cho nên ông chủ dương dương đắc ý nói với mọi người: “Cả cuộc đời này của tôi dùng phương pháp để có thể kiếm được nhiều tiền và giàu có như vậy chính là có vào mà không có ra, nhất định phải nắm giữ lấy nó", giống như tên nô lệ giữ tiền vậy, vô cùng keo kiệt. Kết quả sau khi ông chết (đúng lúc bước vào thời kỳ Dân Quốc), tài sản của ông đem chuyển thành đơn vị của Dân Quốc là ba mươi triệu đồng Đài tệ. Ba mươi triệu tệ thì nhiều hay không vậy? Rất nhiều. Ngày trước một đồng Đài tệ lớn lắm, ba mươi triệu đó đổi thành đơn vị tiền hiện nay thì tôi nghĩ cũng mấy tỉ. Số tiền nhiều như vậy được chia thành mười phần, con cháu của ông cũng vừa đủ mười người. Kết quả, sau khi chia nhau mười phần như vậy thì thế hệ sau của ông chỉ trong thời gian ngắn ngủi mấy mươi năm tiêu tán hết. Bởi vì ông bủn xỉn như vậy, con cháu sẽ nghĩ rằng tiền đó là của ai? Con cháu của ông tuyệt đối sẽ không nói tiền đó phải nên quay về với xã hội, chúng sẽ nghĩ những thứ đó đều là của chúng, cho nên sau khi lấy được thì chúng có xài tiết kiệm hay không? Sẽ không tiết kiệm, nhanh chóng tiêu xài hoang phí hết. Mặc dù trong số mười người con cháu đó có một - hai người tương đối có đức hạnh, không tiêu xài hoang phí, nhưng hết lần này đến lần khác gặp phải vận xui nên cũng bị tiêu tán hết. Bởi vì sao mà con cháu của ông dù có chút đức hạnh cũng bị tiêu tán hết? Bởi vì trong khi bên cạnh có rất nhiều người đói chết mà bạn ở đó giàu có đến như vậy nhưng không chịu chia bớt tiền tài, điều này đã tổn mất vào trong âm đức, là việc vô cùng tổn phước. Cho nên: “Tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”. Lời trong “Kinh Dịch” đều là chân thật bất hư. Cho nên cái “dư ương” này chính là tai ương cho đến con cháu đời sau. Nếu chúng ta thật sự không hiểu được đạo lý của việc làm giàu thì có thể trong đời này sẽ làm ra rất nhiều việc khiến cho con cháu học tập những thái độ và phương pháp sai lầm này. Người không rõ lý rất khó để có thể chăm lo cho gia đình, khó dạy dỗ tốt con cái. Cho nên, cái nhân chân thật của giàu có vẫn là phải bố thí nhiều.

Đương nhiên giữa anh em với nhau bạn cũng phải biết bố thí, vậy sẽ không có việc tranh chấp. Có câu: “Người ta nợ bạn thì trời sẽ trả”. Trời ở đây là thiên lý, phúc phần của bạn sẽ như nước chảy mãi tất thành sông.

Con người không thể có được một lúc nhẫn thì có thể sẽ làm ra một số việc trái nghịch với đức hạnh. Đời trước chỉ biết tranh đoạt thì đời sau chẳng có tấm gương tốt, cho nên phải có thể nhẫn nại.

“Mạc nhân hào mạt khởi tranh đoan”. “Hào mạt” ở đây có nghĩa là không nên vì những sự việc nhỏ nhặt mà anh em tranh cãi nhau.

Kế đến là “Nhãn tiền sinh tử hựu huynh đệ”. Nghĩa là anh chị em lại sanh ra con cái thì chúng lại có anh em, cho nên đời này của chúng ta phải làm ra tấm gương tốt.

Câu cuối cùng là: “Lưu dữ tử tôn tố dạng khán”. Cho nên việc này vô cùng quan trọng.

Lúc đầu, chúng ta đã nêu ví dụ về triều nhà Chu. Các vị Hoàng đế Thánh nhân khi mới lập quốc đã làm ra tấm gương về “Hiếu - Đễ”. Cũng bởi vì có tấm gương tốt đến như vậy mà họ đã có thể trị vì đất nước được 800 năm, trở thành triều đại lâu dài nhất trong lịch sử. Vì vậy, sự lâu dài của triều đại không phải một chuyện ngẫu nhiên. Một gia tộc có thể hưng vượng mấy trăm năm cũng nhất định không phải là chuyện may mắn. Cho nên các vị bằng hữu, gia tộc, gia đình của các vị muốn hưng vượng bao lâu? Bạn phải có chí hướng thì mới dạy ra được những người con, người cháu tốt.

Trong quá trình anh chị em sống chung với nhau vẫn còn một điểm rất quan trọng, khi anh em có lỗi lầm thì chúng ta phải nên như thế nào? Khi anh em có lỗi thì có thể bỏ mặc không thèm nhìn hay không? Không được. Bạn bỏ mặc không nhìn thì có thể họ càng đi càng sai hơn. Chúng ta làm sao có thể nhẫn tâm nhìn thấy thủ túc của mình tiếp tục con đường sai lầm? Cho nên, anh em với nhau cũng phải biết khuyên giải. Vậy dùng phương pháp gì để khuyên? Chúng ta muốn khuyên người khác, trước tiên nhất định phải suy nghĩ sự tín nhiệm của anh chị em đối với mình đến được mức độ nào. Mà phần tín nhiệm này nhất định phải được tích lũy từ trong việc chung sống thường ngày. Bạn không thể đợi đến khi thật sự muốn khuyên bảo họ thì mới chợt nhớ ra lúc bình thường dường như không hề gọi cuộc điện thoại nào, lúc đó mà đi khuyên bảo thì họ sẽ cảm thấy không thể tiếp nhận. Tín nhiệm càng cao thì hiệu quả của việc khuyên bảo càng tốt. Cho nên, rất nhiều công phu phải được xây dựng từ khi nào? Lúc bình thường đã phải làm.

Người xưa khi khuyên bảo anh em của mình đều vô cùng nhẫn nại, cũng rất có trí huệ.

Vào triều nhà Minh, có một người đọc sách tên là Trần Thế Ân. Em trai của ông mỗi ngày ở bên ngoài chơi bời lêu lổng không làm việc gì, người anh nhìn thấy rất tức giận. Mỗi ngày em trai đến tận nửa đêm canh ba mới trở về, người anh tức giận vô cùng, đều mắng rất nhiều. Kết quả, kéo dài một thời gian người em trai có thay đổi hay không? Không có. Sao các vị biết hay vậy? Các vị đã nhìn thấy rồi sao? Các vị đều có thể thể hội được người trưởng thành thì việc khó buông bỏ nhất là gì? Thể diện. Sao các vị cũng biết luôn vậy? Mọi người đều rất có trí huệ. Khó buông bỏ nhất chính là thể diện. Thể diện hiện nay bao nhiêu tiền một cân vậy? Chúng tôi nói, nếu muốn tăng trưởng học vấn thì việc đầu tiên phải đem thể diện của mình bán đi, phải bán cho hết sạch, gọi là “tri sĩ cận hồ dũng”. Phải biết bản thân mình đã có rất nhiều lỗi lầm, không nên chú ý đến sĩ diện nữa thì học vấn mới có được sự vượt bậc lớn lao, mới có thể đối diện với sai lầm. Nhưng khi chúng ta đang khuyên bảo lỗi lầm của người khác thì vẫn phải chú ý đến sĩ diện của họ. Cho nên Trần Thế Ân đã nói với người anh trai: “Anh à, anh đừng mắng em nó nữa, để em lo việc này thử xem”.

Vào buổi tối hôm đó, Trần Thế Ân đứng ở ngay cửa để đợi em trai về. Kết quả, thời gian đã hơn nửa đêm, em trai của ông mới trở về. Vào lúc này bạn sẽ nói như thế nào? Bạn ở đó đợi đến mười một giờ, rồi mười hai giờ, bạn sẽ như thế nào? Có phải lửa bắt đầu bốc lên hay không? Cho nên rất nhiều lúc phải dựa vào sự tu dưỡng của chúng ta, dựa vào công phu nhẫn nại của chúng ta. Có câu: “Hết thảy pháp cần phải thành tựu từ công phu nhẫn nại”. Khi em trai của ông trở về, ông liền đi tới sờ người của người em trai: “Em trai à, em mặc ít quần áo như vậy có lạnh hay không?”. Sau đó lại nói với em trai: “Chắc là em đói rồi phải không, để anh bảo chị dâu nấu cho em một tô mì”. Sau đó theo em trai vào nhà, còn tự tay mình khóa cửa lại. Đến ngày thứ hai vẫn làm như vậy, đứng ở cửa để đợi. Ngày thứ ba, ngày thứ tư đều làm như vậy, vả lại khi gặp người em này trở về đều tràn đầy sự quan tâm chăm sóc, tràn đầy tình yêu thương, dắt người em vào. Kỳ thực, một người ở bên ngoài chơi bời lêu lổng thì họ có cảm thấy thật sự vui vẻ hay không? Họ sẽ cảm thấy trong nội tâm thật trống rỗng. Cho nên, khi người em có thể cảm nhận được sự yêu thương của người anh thì người em sẽ dần dần bắt đầu quay đầu.

Không có người nào tự mình lại ưa thích việc sa ngã, chỉ cần bạn cho họ một bậc thềm để đi xuống, chỉ cần bạn khiến cho họ biết được phải đi theo phương hướng nào mới đúng, bạn kéo họ một tay thì không có ai mà không bằng lòng tiếp nhận. Nhưng mà phương pháp như vậy có thể khiến đối phương cảm động, tiếp nhận, việc này phải nhờ vào sự tu dưỡng và trí huệ của chính mình. Về sau, người em này đã không còn đi ra ngoài chơi bời.

Chúng ta cũng thường được nghe những câu chuyện về giáo dục đạo đức, cảm thấy vì sao mà người xưa đều có thể diễn ra những màn kịch hay như vậy? Vì sao chúng ta lại không thể biểu diễn được kịch hay, vả lại còn diễn ra toàn kịch xấu, dường như cứ luôn phải hối hận. Vấn đề là ở đâu? Tu dưỡng. Cho nên bất kỳ việc gì muốn thành tựu thì nhất định phải từ sự tu thân của chính mình mà bắt đầu, chứ không phải yêu cầu một người nào khác. Cho nên, trong quyển “Đại Học” đã nhắc nhở chúng ta một câu rất quan trọng: “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân”. Bất luận bạn là thiên tử cũng vậy, bạn là dân thường cũng vậy, trong cuộc đời này nếu bạn muốn có sự nghiệp, muốn chăm lo gia đình được viên mãn thì phải bắt đầu từ điểm nào vậy? Từ tu dưỡng chính mình, công phu tự tu thân. Cho nên nếu người thân bạn bè bên cạnh ta không cảm động được thì vấn đề là ở ai? Là vấn đề ở chính chúng ta. Bởi vì “đức chưa tu”, đạo đức chưa đủ cho nên “cảm chưa tới”, không có cách nào khiến cho người khác cảm động. Cho nên nhà Nho có một câu tâm pháp, chỉ cần bạn thường xuyên để câu tâm pháp này ở trong tâm thì học vấn Nho Gia của bạn sẽ rất cao: “Hành hữu bất đắc phản cầu chư kỷ”. Nghĩa là bất kỳ việc gì làm không tốt không phải trước tiên kiểm thảo một ai khác, mà trước tiên nên kiểm thảo chính mình còn chỗ nào chưa làm tốt. Khi chúng ta có cái tâm như vậy thì thời gian của bạn sẽ không tiêu hao vào trong phiền não, thời gian của bạn cũng tuyệt đối không hao phí vào việc phê bình người khác, thời gian của bạn sẽ lập tức dùng vào việc ta phải làm như thế nào để cho sự việc được tốt hơn. Thái độ này vô cùng quan trọng. Khi bạn thời thời khắc khắc phản tỉnh chính mình thì những thân hữu ở bên cạnh bạn nhìn thấy sẽ rất cảm động, sẽ bị đức hạnh của bạn cảm phục.

Chúng ta từ trong những mối quan hệ “phụ tử hữu thân”, “quân thần hữu nghĩa”, “phu phụ hữu biệt”, “trưởng ấu hữu tự”, chúng ta có thể cảm nhận được những mối quan hệ luân thường này có thể làm được tốt thì cuộc đời của con người sẽ cảm thấy vô cùng thiết thực, vô cùng vui vẻ.

Chúng ta nói, cuộc đời phải theo đuổi hạnh phúc. Tôi thường hay hỏi rất nhiều phụ huynh: “Các vị mong muốn con cái của mình sau này đi con đường nhân sinh như thế nào, sau này trở thành con người như thế nào?”. Các vị bằng hữu, các vị hy vọng con cái sau này trở thành một người như thế nào? Làm người hiếu thuận. Tốt, rất tốt! Hãy cho vị bằng hữu này một tràng pháo tay! Bởi vì bạn là người dẫn đường cho con cái, trong tâm bạn phải có suy nghĩ qua rồi, rất nhiều quan niệm tư tưởng là nhờ vào bạn vun trồng cho chúng.

Giả sử cuộc đời của bạn là sống ngày nào tính ngày đó, không có mục tiêu gì cả, vậy thì bạn sẽ dắt chúng đi về đâu? Cho nên khi cha mẹ cảm thấy việc hiếu thuận rất quan trọng, giúp đỡ cho con cái cắm gốc rễ, vậy thì cả cuộc đời của chúng sẽ được lợi ích.

Chúng ta ngày trước cũng đã nói, muốn vun trồng cái gốc hiếu thuận cho con cái thì phải bắt đầu từ đâu? Từ chính mình, lấy thân làm gương mà bắt đầu. Còn các vị khác thì sao? Bạn cảm thấy bạn hy vọng cuộc đời con cái của mình sẽ trở nên như thế nào? Phương hướng cuộc đời sẽ đi về đâu? Đã có suy nghĩ qua hay chưa? Giả sử như chúng ta đều không có suy nghĩ qua, vậy thì mỗi ngày đang dẫn dắt con cái đi về đâu? Có một số phụ huynh sẽ lập tức nói: “Kỳ thực tôi cũng không có hy vọng về sau nó giàu sang phú quý gì đâu, tôi chỉ hy vọng nó có thể sống vui vẻ là được”. Nghe ra thấy nguyện vọng này cũng rất nhỏ, trên thực tế thì rất khó làm được. Tôi liền hỏi lại: “Anh nói vui vẻ là được, vậy xin hỏi anh có cảm thấy vui vẻ hay không?” Họ liền suy nghĩ “đúng là!”. Tôi nói tiếp: “Nếu như anh còn không vui vẻ được thì làm sao có thể dạy cho con cái vui được?”. Phụ huynh hiện nay đều đẩy con cái về đâu vậy? Đều là đẩy con cái theo phong trào, chính là chủ nghĩa lên lớp, chính là cứ thi cử rồi thi cử, sau đó như vậy mà học lên cao. Con đường này mà đi thì có vui hay không? Sẽ không. Vậy những người cha, người mẹ hy vọng con cái mình được vui vẻ này cũng đã dắt chúng đi theo con đường của mình rồi. Cho nên, con người thường hay chỉ ngồi ở đó mà nghĩ, rốt cuộc thì con đường đi đó có đúng hay không thì không suy nghĩ qua, rốt cuộc hạt giống trồng xuống đó đúng hay không? Có trồng đúng hạt giống để cho đời sau của họ được hạnh phúc vui vẻ hay không? Đều không biết, chỉ ngồi ở đó mà muốn sau này chúng được hạnh phúc vui vẻ, đây là việc không thể nào đạt được.

Tôi cũng bị đẩy vào con đường này, chủ nghĩa lên lớp. Cơ sở thi lên phổ thông, phổ thông rồi lên đại học. Ban đầu tôi vốn có hoài bão của Phạm Trọng Yêm, kết quả thi cử cho đến sau cùng thì như thế nào? Lòng dạ đều nhỏ hẹp, đi đâu cũng tính toán với người ta. Nhìn thấy người ta thi kiểm tra hơn tôi nửa điểm thì trong lòng đã thấy không thoải mái. Thật vậy, con người cạnh tranh nhau như vậy! Con người như vậy chỉ biết vì dự tính của chính mình, cả tâm lượng càng ngày càng nhỏ hẹp. Tư tưởng quan niệm của con cái chúng ta chỉ cần càng nhỏ hẹp, lòng dạ càng hẹp hòi, thì cuộc đời này đã được chú định sẵn là không thể vui vẻ hạnh phúc. Cho nên tục ngữ có câu: “Vui vẻ không phải là có nhiều mà là có ít sự tính toán”. Không so đo tính toán thì mới khiến cho con người thật sự vui vẻ hạnh phúc.

Chúng tôi tiếp nhận giáo huấn Thánh Hiền trong năm - sáu năm nay vốn là không tính toán, bởi vì không tính toán thì ngược lại có càng nhiều. Đây là chân lý. “Người yêu thương người thường được người yêu lại, người kính người thường được người kính lại”.

Chúng ta xem thấy Cư sĩ Hứa Triết, một người thanh niên 101 tuổi của Singapore, bởi vì sức khỏe của bà còn tốt hơn tôi. Bà ngồi Yoga được còn tôi thì không, thần khí tốt đến như vậy. Bạn xem, bà việc gì cũng nghĩ thay cho người khác, không hề tính toán với ai, cho nên trong tủ lạnh của bà xưa giờ không hề thiếu đồ ăn, xưa giờ không mua đồ ăn. Đồ ăn từ đâu có bà cũng không biết. Tôi thấy những người tặng thức ăn này cho bà hoàn toàn không để lại tên tuổi. Trong việc này có học vấn. Bởi vì bà Hứa Triết trong lúc phụng hiến vì xã hội vốn không hề có mong muốn được người khác đền đáp, cho nên người khác nhận được đều rất cảm động, nên luôn nghĩ một khi có cơ hội báo đáp cho bà thì liền báo đáp mà cũng không muốn bà biết đó là ai. Con người thế gian chúng ta khi ra sức làm gì đều có mục đích. Xách giỏ quà tới tặng đều nói: “Nào, món quà này là tôi tặng cho anh”. Đây là có ý gì? Là muốn nói với mọi người anh đang nợ tôi một ân tình. Người khác nhận được cũng cảm thấy “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, họ cũng có áp lực. Vì thế, hiện tại ân tình đưa qua tặng lại như vậy cũng không được thoải mái. Nhưng bà Hứa Triết này bỏ sức ra như vậy mà không cầu được báo đáp lại nên đã thức tỉnh được sự vô tư ở trong nhân tâm con người, cho nên ai đem rau trái đến tặng cho bà bà cũng đều không biết. Cho nên thật sự đối tốt với người thì người ta sẽ đối tốt với bạn, cuộc đời như vậy sẽ rất vui vẻ. Vả lại khi tâm bạn mở ra, không tính toán với người nào khác, trong tâm thường được tự tại nhẹ nhàng.

Rốt cuộc là cuộc đời như thế nào, hạt giống như thế nào thì mới có thể khiến cho con cái của bạn thật sự được vui vẻ hạnh phúc? Bây giờ chúng ta phải suy nghĩ xem phải trồng loại hạt giống nào?

Từ trong những luân thường đại đạo đã nói thì chúng ta cũng thể hội được cái “thiên luân chi lạc”. Cái “thiên luân chi lạc” này so với việc thế gian ăn một tô mì ngon thì cảm giác đó tuyệt nhiên không như nhau. Niềm vui của thiên luân là khi cha mẹ chúng ta nhìn thấy anh chị em chúng ta vô cùng thương yêu nhau, biết đoàn kết với nhau, thì cha mẹ vui như thế nào? Là vui cả cuộc đời. Cho nên Mạnh Tử nói đời người có ba niềm vui.

Niềm vui thứ nhất, “Phụ mẫu câu tồn, huynh đệ vô cố”.

Đây là Mạnh Tử nói niềm vui của đời người. “Phụ mẫu câu tồn, huynh đệ vô cố”, cha mẹ đều được khỏe mạnh, anh em đều không có xích mích, đều có thể thường xuyên tụ họp lại khuyến khích lẫn nhau, nâng đỡ phù trợ nhau. Đây là niềm vui thứ nhất của đời người, là thiên luân chi lạc. Cho nên, hiện tại có cha mẹ để phụng dưỡng thì đó là một việc vui lớn của cuộc đời.

Hôm nọ, một vị bằng hữu của chúng tôi nói, khi cô học đại học, cô giúp cho cha của mình gội đầu. Cha của cô cúi đầu vào bồn rửa tay cho nên rất khó gội, nên tự tay cô đã giúp ông gội đầu. Sau khi tôi nghe xong rất ngưỡng mộ, vì sao vậy? Vì tôi không có cơ hội như vậy. Cuộc đời khi báo ân thì trong lòng của bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, rất thiết thực. Cho nên tôi liền nghĩ, giả sử sau mười năm nữa tôi có cơ hội có thể cùng chung sống suốt với cha mẹ thì tôi có thể chăm sóc từng chút cho cha mẹ, vậy thì trong lòng của tôi mới thật sự vui. Mà đạo đức học vấn của bạn cũng tăng theo sự tận tâm tận lực phụng dưỡng cha mẹ này. Cho nên vào ngày xưa, những người có đạo đức học vấn đều là hiếu tử, bởi vì tâm hiếu cùng với đạo đức học vấn thì tâm lượng của một con người sẽ biểu lộ ra bên ngoài. Một người con hiếu khi nhìn thấy cha mẹ của người khác sẽ như thế nào? Cũng sẽ sanh tâm cung kính. Một người có tâm hiếu nhìn thấy con cái của người khác cũng tuyệt đối không bắt nạt chúng, bởi vì họ sẽ nghĩ: “Nếu mình bắt nạt chúng thì cha mẹ của chúng sẽ rất đau lòng”. Khi một người khởi phát cái tâm hiếu thì sự tu dưỡng và học thức của người đó cũng sẽ nâng cao theo. Phu tử đã nói: “Phù hiếu”, hiếu là gì? “Đức chi bổn dã”, là căn bản của đạo đức. Cho nên đức hạnh của một người muốn khởi phát thì nhất định phải bắt đầu từ hiếu.

Chúng ta xem tiếp: “Huynh đệ vô cố”. Anh em chị em có thể thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đây cũng là một niềm vui lớn của cuộc sống. Chúng ta cũng vừa nói đến, cuộc đời có hai sức mạnh lúc nào cũng giúp sức cho bạn mà không đòi hỏi bạn đền đáp, đó là cha mẹ và anh em. Mà khi anh em có thể tụ hội lại với nhau rất vui vẻ thì sẽ cho con cháu đời sau một tấm gương tốt nhất.

Niềm vui thứ hai là “Ngước lên không thẹn với trời, cúi xuống không thẹn với người”.

Đây chính là tục ngữ nói: “Cúi đầu hay ngẩng đầu đều không thấy hổ thẹn”. Cho nên khi đối diện với trời đất vạn vật bạn đều cảm thấy như thế nào? Cảm thấy không hổ thẹn, bởi vì ta đã tận tâm tận lực để làm rất nhiều bổn phận của ta, không có làm việc trái với lương tâm. Tục ngữ nói: “Ngày thường không làm việc trái lương tâm, nửa đêm gõ cửa không giật mình”. Cho nên, khi một người lúc nào cũng vô tư trong sạch thì nội tâm của người đó sẽ an ổn, rất vui vẻ.

Chúng ta nhìn thấy rất nhiều hiện tượng xã hội ở trước mắt, có nhiều lúc cảm thấy trong lòng căm phẫn bất bình. Vì sao mà những người đó lại trốn thuế, dùng những phương pháp không tốt như vậy mà lại còn kiếm được rất nhiều tiền. Có thể chúng ta nhìn thấy thì trong tâm rất bất bình. Các vị bằng hữu, có cảm thấy như vậy hay không? Không à. Tấm lòng các vị thật rộng rãi.

Chúng ta hãy xem, sau khi họ làm sai, dùng những thủ đoạn không hợp pháp để có được sự giàu có của mình, họ có thật sự vui sướng hay không? Không có. Họ mỗi ngày đều lo lắng điều gì? Lo sợ sự việc bị bại lộ, lo sợ lộ bộ mặt thật. Những ngày tháng như vậy thật không dễ sống, thậm chí vốn sống được bảy mươi tuổi nhưng vì mỗi ngày đều lo sợ chuyện này, lo lắng chuyện kia, mỗi ngày đều phiền não rất nhiều, sau cùng thì tế bào biến đổi, có khả năng mới năm mươi tuổi đã mắc ung thư rồi, mất đi hai mươi năm tuổi thọ của mình. Lo lắng khiến con người ta già đi. Mỗi ngày đều lo sợ bị nhà nước đến bắt đi, sợ bị người ta nhìn thấy, vậy thì sao có thể trường thọ được. Không chỉ tuổi thọ bị rút ngắn, mà vì họ dùng thủ đoạn phi pháp để kiếm được tiền đã khiến cho phúc phần của mình bị hao tổn. Vốn là trong số mạng có thể kiếm được năm triệu nhưng vì họ đã dùng thủ đoạn bất hợp pháp cho nên chỉ lấy được có một triệu. Bởi vì họ không rõ đạo lý, cho rằng lấy được thì đó là của mình, kỳ thực trong số mạng của họ không chỉ có như vậy. Cho nên: “Tiểu nhân oan uổng làm tiểu nhân”. Vả lại, không chỉ sau khi thành tiểu nhân, vốn được năm triệu biến thành chỉ còn một triệu, mà về sau bởi vì phạm pháp cho nên có thể phải bị trừng trị theo pháp luật, vì thế cả đời thật vô cùng oan uổng. Con người không hiểu đạo lý thật sự là rất đáng thương. Họ còn cho rằng họ thông minh, trên thực tế họ đã hủy hoại cuộc đời của mình. Cho nên chúng ta đối người xử sự phải đường đường chính chính thì trong lòng mới có thể thản nhiên, mới an ổn. Đây là niềm vui thứ hai của cuộc đời. Người sống không phải thẹn với lòng thì cuộc đời khí tiết chính trực lẫm liệt. Tôi nghĩ là sống đến trăm tuổi mà “không thẹn với người” chính là không có lỗi với ai, không có lỗi với người thân bạn bè của chúng ta, nghĩa là mỗi chút đều đã tận hết bổn phận của mình.

Hiện tại rất nhiều người làm cha ngày ngày đều du sơn ngoạn thủy, họ thích núi, họ thích biển, nhưng mà việc dạy dỗ con cái ở nhà thì như thế nào? Đều không quản tới. Xin hỏi, người như vậy thì có thể nói là không thẹn với ai hay không? Họ thường thường du sơn ngoạn thủy nên xem ra tâm tình dường như rất tốt, thực tế họ đang chạy trốn. Hiện tại có rất nhiều người không tận hết bổn phận, chuyên trốn tránh, chuyên tự lừa gạt mình. Việc du sơn ngoạn thủy làm cho sao lãng, không còn suy nghĩ đến chuyện gì khác.

Ví dụ có người nói đi xuống lầu chơi đua ngựa, hay chơi mạt chược, đánh bài, hoặc uống rượu, kỳ thực đều đang tự mê hoặc chính mình, đều chẳng giúp được gì cho việc của mình. Con người chỉ cần chịu gánh vác, khi tận tâm tận lực thì người khác cũng sẽ cảm nhận được sự gánh vác đó của họ. Lúc này mới gọi họ là không thẹn với người.

Hôm qua đã nhắc đến một câu giáo huấn rất quan trọng của Văn Thiên Tường đối với chúng ta: “Đời người xưa nay ai không chết, hãy để lòng son chiếu sử xanh”. Cho nên cuộc đời con người phải không có lỗi với những người quan tâm đến chúng ta, phải không có lỗi với những người chăm sóc chúng ta, phải không có lỗi với vợ con của chúng ta, cuộc đời như vậy mới thiết thực. Đây là niềm vui thứ hai.

Niềm vui thứ ba, “Đắc thiên hạ anh tài nhi giáo chi tam lạc dã”.

Các vị bằng hữu có lẽ là trong quá trình nghe giảng có thể cảm nhận được tôi là giáo viên thì có vất vả lắm hay không? Tôi làm rất vui vẻ. Tôi thường nói, nếu hiện nay có người nói với tôi là anh hãy đến công ty của tôi làm, mỗi tháng tôi trả anh 50.000 Đài tệ, tôi có làm hay không? Tôi không làm. Tiền làm đủ dùng là được, thật sự cảm thấy vui vẻ. Những gì tôi đã làm là có ích cho học trò của mình, xã hội cũng có ích, làm cũng thấy rất thiết thực. Nhìn lại hơn một năm qua của tôi đã làm được hơn 300 buổi về “giảng tòa văn hóa truyền thống”. Quay đầu nhìn trở lại, cả đời tôi xưa giờ chưa có cảm giác tốt đến như vậy. Thật vậy! Cho nên trong lòng rất vui sướng, có thể không thẹn với lòng, lại có thể dạy được anh tài trong thiên hạ. Cho nên tôi nói dù kiếm được nhiều tiền hơn thì cuộc đời của tôi cũng sẽ không làm những công việc nào khác, bởi vì chúng ta làm giáo dục thì không chỉ nhìn vào hiện tại. Tư tưởng quan niệm chính xác của con trẻ sẽ ảnh hưởng đến việc chúng sẽ đối diện với rất nhiều người sau này, ảnh hưởng đến cả con cái của chúng. Thậm chí nếu như sau này chúng lại làm giáo viên thì sẽ còn ảnh hưởng đến học trò của chúng. Do vì trong cuộc đời của chúng tôi đã gặp được rất nhiều thầy hay bạn tốt nên đã làm thay đổi được cuộc đời của chúng tôi. Chúng tôi ngày nay cũng đã định vị được chính mình phải: “Học vi nhân sư”, tiếp đến có thể thành tựu được cuộc đời cho người khác. Đó là niềm vui thứ ba.

Rất nhiều bằng hữu nói: “Thầy Thái à, thầy là giáo viên cho nên thầy mới có niềm vui thứ ba, chứ tôi thì không có”. Nghĩa lý của Thánh nhân tuyệt đối không phải hạn chế ở một góc độ nào đó. Khi chúng ta chân thật toàn tâm đi giúp đỡ người khác, đi dẫn dắt người khác, người khác khi tiếp nhận sự giúp đỡ, sự giáo huấn của bạn họ cũng sẽ ghi nhớ suốt đời. Cho nên những khi chúng tôi trò chuyện với các bằng hữu, họ thường hay nói họ vào được công ty nào đó chính là bởi vì họ nhờ có một ai đó đã chỉ bảo từng chút một. Thậm chí nhớ lại khi mới đến, bởi vì chưa quen và cũng mang không đủ đồ dùng, sau đó cũng là nhờ một vị đồng nghiệp đã đem cho một cái mền dày. Cho nên khi vị bằng hữu nói về một người bạn của anh thì tâm của anh như thế nào? Xem người đó như thế nào? Xem như một người thầy hay bạn tốt trong cuộc đời. Cho nên khi bạn bè bên cạnh bạn nhắc đến bạn đều cảm động, tôn kính đến như vậy, vậy cuộc đời của bạn đã thành tựu được những người này rồi, bạn ở trong mắt của họ chính là một người thầy. Cho nên bất luận là ai, chỉ cần bạn toàn tâm toàn ý để đối đãi với người, người khác sẽ rất tôn kính đối với bạn, đem bạn làm thành tấm gương học tập, cho nên bạn cũng là người đắc và dạy những anh tài trong thiên hạ. Cho nên, bạn muốn học vấn, muốn khế nhập cuộc sống của Thánh Hiền, tuyệt đối lúc nào cũng có thể làm được.

Ngoài ba niềm vui này của Mạnh Tử thì trong rất nhiều giáo huấn của Thánh Hiền chúng ta còn có chỗ nào nói đến niềm vui, các vị bằng hữu hãy suy nghĩ thử xem? Giúp người là niềm vui. Việc giúp người là niềm vui này trẻ con có hiểu hay không? Bạn xem, trẻ con không có phân biệt, chúng không tự tư, cho nên khi ở cùng với rất nhiều bạn khác thì có lúc chúng cũng đưa đồ cho người khác một cách tự nhiên.

Chúng tôi có một lớp học tại Hải Khẩu, bởi vì sau khi học được “Đệ Tử Quy” các em cũng rất biết hiếu thảo. Vì vậy dịp mùng 8/3 năm nay, các học trò cử một người đại diện đến nói với giáo viên của chúng: “Thưa thầy, mùng 8/3 năm nay đến rồi, các cô giáo đã rất vất vả, cho nên chúng em quyết định sẽ mua hai bông hoa”. Vị giáo viên này chưa kịp phản ứng vì sao lại muốn mua hai bông hoa, học trò liền nói: “Một đóa tặng cho mẹ, một đóa tặng cho cô giáo ở trong trường”. Vị giáo viên này lập tức tùy hỷ công đức nói: “Ôi tốt quá, tốt quá! Thầy ủng hộ các em, nhanh nhanh làm đi”. Thế là vào ngày 8/3 hôm ấy học sinh cả lớp đã mang hoa đi tặng giáo viên nữ trong trường. Chúng ta có thể cảm nhận được bầu không khí ở trường hôm ấy thật tràn đầy không khí tôn sư trọng đạo. Trong số đó có một học trò sau khi tặng xong (là một em nam) rất hớn hở nói với giáo viên của mình: “Thầy ơi, khi em tặng bông hoa của mình đi, nhìn thấy nụ cười của cô giáo em rất vui sướng”. Tiếp theo, vị giáo viên liền hỏi: “Vậy lúc này em đã thể hội được những gì?”. Em học trò suy nghĩ một lúc lại nói: “Cho có phước hơn là nhận”, chính là giúp người làm niềm vui. Phụ huynh xem thấy rất cảm động. Một vị nữ hiệu trưởng đã đi đến lớp của vị thầy ấy để ghi nhận sự việc đối với thầy, cổ vũ cho thầy. Vị hiệu trưởng này cũng đã cảm động đến rơi cả nước mắt, vì sao vậy? Bởi vì hiện nay những chuyện cảm động đến như vậy đã trở nên quá ít. Do vậy, chúng ta làm người thì phải biểu diễn ra thật nhiều việc tốt, để tưới tắm cho xã hội đang thiếu đi lòng yêu thương và quan tâm chăm sóc. Chúng ta phải có bổn phận sứ mạng giúp người làm vui.

Còn có việc gì cũng sẽ khiến cho đời người được vui? Bạn muốn con cái bạn sau này có thể cảm nhận được việc giúp người làm vui, vậy hiện nay thì sao? Chúng về sau trưởng thành liền lập tức biết giúp người làm vui. Hiện tại phải thường xuyên dắt chúng đi chăm sóc một số người lớn tuổi, hoặc đi đến viện cô nhi một vài chuyến. Khi chúng thường xuyên nhìn thấy những sự cần thiết của con người, khi đạt được những niềm vui từ việc này thì chúng sẽ sanh khởi được một loại tâm yêu thương rất sâu. Cho nên Cư sĩ Hứa Triết cả đời mấy mươi năm đều giúp đỡ cho người khác. Bà nói: “Bởi vì lúc nhỏ, một lần khi ăn cơm thì có người đến gõ cửa nhà của bà. Mẹ của bà vừa mở cửa nhìn thấy có mấy người đang vô cùng đói khát, muốn xin đồ ăn thức uống. Người mẹ của bà lập tức quay vào nhà, không nói một câu nào đem hết đồ ăn trên bàn đưa cho họ”. Bà Hứa Triết khi đó còn rất nhỏ, nhìn thấy được dáng vẻ của người nghèo đói khát mấy ngày liền, sau khi ăn được thức ăn vào thì vẻ mặt liền tươi cười trở lại, đã để lại cho bà ấn tượng rất sâu sắc, cho nên bà cảm thấy giúp đỡ người khác rất vui. Vì thế, chúng ta là người làm cha mẹ người khác thì phải biết dẫn dắt làm trước tiên, con cái sẽ noi theo, tiếp đến còn cảm nhận được việc giúp người làm vui.

Các vị bằng hữu, còn gì nữa không? Các vị nghĩ đến điều gì nữa? Biết đủ thường vui. Xin hãy cho vị này một tràng pháo tay. Đích thực khi bạn đã biết đủ, người khác cho chúng ta một số sự giúp đỡ, chúng ta sẽ rất cảm ơn. Nhưng một khi bạn không biết đủ, đời người không chỉ không có niềm vui mà còn rất gian khổ. Đời người chỉ cần không biết đủ thì phiền não nhất định sẽ bộc phát, nhất định lo được lo mất. Mình có hai triệu nhìn thấy người khác có năm triệu liền không vui. Bản thân mình có mười triệu thấy người khác có hai mươi triệu thì không vui, họ không thể vui lên được.

Chúng ta suy nghĩ thử xem, người có tiền thì vui hơn hay người không có tiền thì vui hơn? Rất nhiều người đều cảm thấy đời người chỉ cần có tiền thì sẽ được hạnh phúc, nhưng mà khi họ thật sự có tiền rồi, họ quay nhìn lại thì thấy phiền não của mình sao mà càng lúc lại càng nhiều. Con người nếu không biết đủ thì sẽ không thể nào vui vẻ hạnh phúc.

Chúng ta hãy xem những người có tiền hiện nay, khi bước ra ngoài đều hết sức chú ý, còn phải thường xuyên đổi xe, bước ra ngoài phải đem theo vệ sĩ. Không những họ có cuộc sống rất căng thẳng, mà ngay cả con cái của họ đi học tan trường đều phải có rất nhiều người hộ tống. Nếu như bảo tôi làm con của một người có tiền thì tôi sẽ không làm, khổ sở quá! Cho nên người có tiền phiền não hơn người không có tiền rất nhiều. Họ còn nghĩ đến, giả như những đứa con này của tôi không thành tài thì số tiền này của tôi sẽ làm như thế nào? Ngày ngày còn lo lắng tiền có bị ít lại hay không? Ngày ngày phải suy nghĩ họ nên đem cổ phiếu đầu tư vào đâu.

Chúng ta hãy xem thử, sau khi con người đạt được dục vọng thì họ có thật sự được vui vẻ hay không? Ví dụ như nói họ mua một chiếc áo rất đẹp, cầm cái thẻ quẹt một cái hết 5.000. Mặc được năm - ba ngày rất vui thích, đi đến đâu cũng muốn người ta xem thấy, “anh thấy bộ đồ này của tôi có đẹp hay không?”. Vui được ba ngày nhưng phải khổ bao lâu? Khổ cả tháng. Cả tháng đó có thể chỉ ăn mì ăn liền, bởi vì tiền đã dùng hết rồi. Cho nên vui được ba ngày mà khổ đến cả tháng.

Lại nữa, mua một chiếc xe hơi đẹp, tiêu tốn mấy chục ngàn, vui được bao nhiêu lâu? Có thể là vui cả tháng. Cả tháng đó người vợ như bị cho vào lãnh cung. Chiếc xe hơi đời mới này còn quan trọng hơn cả vợ, ngày ngày cứ lau tới lau lui. Vui được một tháng nhưng tài khoản phải tổn hao trong bao lâu? Có thể là phải trả hai năm - ba năm. Trong hai - ba năm này, tiền lương vừa lãnh ra chưa được cầm ấm tay thì phải đem trả đi. Không chỉ phải khổ suốt hai - ba năm mà khi chạy được nửa năm thấy người ta lại ra mẫu xe mới thì tay chân không yên, lại bán chiếc xe cũ này đi để mua một mẫu mới hơn. Cho nên dục vọng con người chỉ cần mở ra rồi thì thu lại không nổi. Vì thế, cổ Thánh tiên Hiền xưa nói: “Dục là vực thẳm”, ngã xuống đó rồi thì không thấy đáy. Nếu như đời người cứ theo đuổi tiền tài thì cuộc đời của bạn tuyệt đối sẽ không có được niềm vui chân thật.

Chúng tôi thường xem thấy người hiện tại cảm thấy như thế nào là thành công vậy? Địa vị xã hội. Chính là mua được một ngôi biệt thự xa hoa thì gọi là thành công. Giá trị đã dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, mua được một ngôi biệt thự xa hoa thì vui được bao nhiêu lâu? Mỗi năm nhiều nhất cũng đi đến nghỉ ngơi được vài lần, còn lại thời gian khác đều là phải vất vả đi kiếm tiền, vất vả trả tiền. Cho nên mỗi năm vui được vài ngày mà phải vất vả trong bao lâu? Có thể sẽ phải trả nợ trong suốt mười lăm năm đến hai mươi năm. Thế là tất cả công phu của cuộc đời đều hao tổn vào trong việc theo đuổi tiền tài, rất khó có được niềm vui chân thật.

Chúng ta hãy suy nghĩ, người mua ngôi nhà mà chỉ ở vài lần một năm, vả lại họ còn phải thuê người giúp việc ở đó để trông coi, cho nên người giúp việc thì một năm sống ở ngôi nhà đó 365 ngày, mà họ thì chỉ có thể ở được bao lâu? Họ chỉ ở được có vài ngày. Cho nên các vị bằng hữu, ai có phước hơn ai vậy? Có lẽ người giúp việc có phước hơn. Người chủ nhà cả đời kiếm tiền bán sống bán chết. Cho nên cuộc đời con người biết đủ mới thật sự được vui sướng, hạnh phúc.

Được rồi, tiết học này chỉ học đến đây! Xin cảm ơn mọi người!

A Di Đà Phật!

Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Người Tốt Chân Thật Đúng Như Pháp (tập 15)

Giảng ngày 20 tháng 11 năm 2004 tại Thành phố Hải Khẩu, Trung tâm Vỡ Lòng Quốc Học Hiếu Liêm

Người giảng: Thầy giáo Thái Lễ Húc

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ, Viên Đạt Cư Sĩ, Mộ Tịnh Cư Sĩ, Phước Tịnh Cư Sĩ.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 245


Hôm nayHôm nay : 61477

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1531105

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43775249

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.