Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 251)

Chủ nhật - 13/03/2016 21:24

****************

Chúng ta ở trong thuận cảnh, ở trong thiện duyên mà khởi một ý niệm có tâm tham ái, thì lập tức niệm A Di Đà Phật, đem ý niệm này trừ bỏ, khôi phục tâm thanh tịnh bình đẳng giác, vĩnh viễn giữ gìn tâm thanh tịnh bình đẳng giác. Nếu như trong nghịch cảnh, ác duyên mà khởi lên ý niệm tâm sân hận thì nhanh chóng niệm “A Di Đà Phật”, đem ý niệm này diệt trừ đi, đây mới gọi là biết niệm. Công phu niệm Phật như vậy mới thật sự là đắc lực. Dụng công phu được lâu, thực tế mà nói là dụng trong bao lâu thì bạn có thể ngày đêm miên mật không gián đoạn? Nhiều nhất ba năm, thì bạn từ chỗ phàm phu khế nhập vào quả địa Pháp Thân Bồ Tát, vãng sanh đến Tịnh Độ Tây Phương, sanh Thật Báo Trang Nghiêm Độ. Vì sao lại không làm? Cho nên những người vãng sanh đến Thế giới Tây Phương ấy, người người đều là tâm thanh tịnh, thân thanh tịnh, thân tâm thanh tịnh, cuối cùng thì đều là thanh tịnh bình đẳng vô vi pháp thân, huống hồ lại còn được oai thần bổn nguyện của Phật A Di Đà gia trì. Bản thân chúng ta không có cái tâm này, không có cái nguyện này, không có loại hành trì này, năng lực của Phật cũng không thể giúp được. Sự gia trì của Phật đối với chúng ta là bình đẳng, chúng ta có một phần công phu thì Phật gia trì một phần, chúng ta có mười phần công phu thì Phật gia trì mười phần. Sự gia trì của Phật với chúng ta quyết định là tỉ lệ thuận với công phu của chính mình, chúng ta phải hiểu đạo lý này.

Người niệm Phật phải nhìn thấu thế giới này. Thế giới này là giả tạm, không phải là thật. Mọi người đều đã đọc “Kinh Kim Cang” rất nhiều, trên Kinh đã nói một cách rõ ràng: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, “nhất thiết hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”. Thế Tôn đã giảng “Kinh Bát Nhã” 22 năm. “Kinh Bát Nhã” rốt cuộc là nói những gì? Tôi đem 600 quyển “Kinh Đại Bát Nhã” xem qua một lần từ đầu đến cuối, tôi đã nhìn ra được một câu nói: “Bất khả đắc”. Tổng kết lại 22 năm giảng Bát Nhã là thế xuất thế gian tất cả pháp là “bất khả đắc”. Bạn thật đã hiểu được chân tướng sự thật thì buông xuống vạn duyên. Vạn duyên buông xuống rồi thì hoàn toàn tương ưng với chân tánh của chính mình, thì bạn đã thành Phật rồi, thì bạn đã thành Phật cứu cánh viên mãn rồi. Nếu như là Tương Tự Phật cứu cánh viên mãn cũng không sợ, đến Thế giới Cực Lạc thì tương tự sẽ biến thành chân thật, bởi vì đến Thế giới Cực Lạc, Phật A Di Đà vừa gia trì thì công lực của bạn liền cao lên gấp bội, cho nên tương tự sẽ biến thành chân thật. Do đây mà biết, chúng ta không thể không thật làm. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thiên thời địa lợi nhân hòa, thế giới chư Phật trong mười phương không thể nào so sánh. Ở trên Kinh Phật đã nói với chúng ta, kết cấu của hầu hết thế giới đều lấy núi Tu Di làm trung tâm, mặt trời mặt trăng thì xoay chuyển chung quanh núi Tu Di. Trên đỉnh của núi Tu Di là cung điện của vua trời Đao Lợi, ở giữa chừng núi Tu Di là nơi cư trú của Tứ Thiên Vương. Lúc trước có người tưởng rằng núi Tu Di là ở trên địa cầu của chúng ta. Núi Tu Di từ trên mặt chữ mà dịch thành ý nghĩa tiếng Trung Quốc là “diệu cao”, nhưng mà mọi người chúng ta đã xem nhẹ đi cái chữ “diệu” này, chỉ cho rằng là nó cao. Ngọn núi cao nhất trên địa cầu này, mọi người đều biết là ngọn núi Hymalaya. Núi Hymalaya có phải là núi Tu Di không? Nếu như thật sự là núi Tu Di, vậy thì Ấn Độ là Nam Thiện Bộ Châu, Trung Quốc thì không phải là Nam Thiện Bộ Châu, Tây Tạng thì nằm phía bắc ngọn núi, vậy thì là Bắc Câu Lô Châu, vậy xem thử người Tây Tạng có giống người của Bắc Câu Lô Châu không? Phật nói người của Bắc Câu Lô Châu phước báo rất lớn, thọ mạng đều là 1.000 tuổi, không có ai yểu mạng, ăn mặc là tự nhiên, chúng ta nhìn thấy không có giống.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ là một nhà nghiên cứu khoa học, ông là một Phật tử thuần thành, ông có cách nói như vầy. Ông nói, núi Tu Di tuyệt đối không phải ở trên địa cầu này, mà là ở trên một thiên thể lớn hơn, mặt trời xoay chung quanh cái thiên thể lớn này, cái thiên thể lớn hơn này người hiện nay thì gọi là hệ ngân hà. Chúng ta biết rằng, mặt trời đích thực là quay xung quanh hệ ngân hà, và cũng hoàn toàn nằm ở trong hệ ngân hà. Đỉnh của hệ ngân hà, nhà thiên văn gọi là Hoàng Cực. Địa cầu chúng ta chỉ có Nam cực và Bắc cực. Đại vũ trụ, hệ ngân hà mới gọi là Hoàng Cực. Nam Thiện Bộ Châu là Phật nói đến địa cầu, địa cầu có thể là một phần của Nam Thiện Bộ Châu. Cách nói này của ông rất hợp lý. Ở trên Kinh Phật nói đến cửu sơn bát hải, ông nói hải là một nơi mà nước hội tụ lại. Ở trên Kinh Phật nói pháp thường có nghĩa thú là biểu pháp, chúng ta không thể không hiểu. Những gì Phật nói về nước không phải là nước thật sự, mà là lưu động, chúng ta ngày nay gọi là thể khí, thể khí lưu động tụ hội lại trong vũ trụ. Biển mà Phật đã nói ở trên Kinh, có lẽ hiện nay đang nói là vũ trụ thái không. Phật nói đến nước ở đây chính là nói thể khí lưu động ở trong vũ trụ thái không, tuyệt đối không phải là biển ở trên quả địa cầu này của chúng ta. Cách nói như vậy thì dễ hiểu.

Chúng ta thắc mắc, đơn vị thế giới mà Phật nói ở trên Kinh rốt cuộc là chỉ cái gì? Đơn vị thế giới là một ngọn núi Tu Di. Cách nói như vậy là dựa theo cách nói của lão cư sĩ Hoàng, nghĩa là một cái hệ ngân hà là một đơn vị thế giới, là một cái thiên thể như vậy. Tập hợp 1.000 cái đơn vị thế giới gọi là một tiểu thiên thế giới. Từ đó cho thấy, một tiểu thiên thế giới thì có một ngàn cái hệ ngân hà. Lại lấy tiểu thiên thế giới làm đơn vị, 1.000 tiểu thiên thế giới thì làm một trung thiên thế giới. Sau đó lại lấy trung thiên thế giới làm đơn vị, 1.000 trung thiên thế giới thì gọi là một đại thiên thế giới, chính là khu giáo hóa của một vị Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật có nhập Niết Bàn hay không? Không có. Ở tại thế gian của chúng ta thì biểu diễn như vậy, Ngài lại thị hiện ở thế giới tha phương, Ngài có thể hiện thân đồng thời ở tại tất cả chư Phật sát độ trong hư không pháp giới, không nơi nào không hiện thân, không lúc nào không hiện thân. Hiện cái thân như thế nào? Trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói rất hay: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Ở trong “Phổ Môn Phẩm” cũng nói rất hay: “Đáng dùng thân gì để độ thì liền hiện thân ấy”. Cho nên, Phật Bồ Tát không có một thân tướng nhất định, Phật Bồ Tát không có định pháp để nói, chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Đây là vì chúng ta mà giới thiệu khái lược về hoàn cảnh y báo. Đây là từ mặt trái mà nói, phía sau thì Kinh văn nói từ mặt chính.

Kinh văn: “Duy dĩ tự nhiên thất bảo, hoàng kim vi địa, khoáng quảng bình chánh, bất khả hạn cực. Vi diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm, siêu du thập phương, nhất thiết thế giới”.

“Duy dĩ tự nhiên thất bảo”, câu nói này chúng ta không thể lơ là. Thất bảo lại thêm vào tự nhiên, hiển nhiên không phải là thế giới này của chúng ta. Những thứ đã nói như Kim Ngân, Lưu Ly, Pha Lê, Xa Cừ, Xích Châu, Mã Não, đây là trên Kinh thường nói, Phật chẳng qua là lấy những thứ mà thế gian chúng ta cũng có tương tự, tương đối gần giống, trên thực tế bảy báu ở Tây Phương hoàn toàn không tương đồng với của chúng ta, không cách gì để tưởng tượng. Thế gian này của chúng ta ở đâu có bảo vật? Kỳ thật tất cả trân bảo cũng là bình đẳng. Hiện nay các nhà khoa học hiểu được. Bạn dùng máy móc khoa học tinh vi để phân tích hết tất cả vật chất, phân tích cho đến cuối cùng đều là nguyên tử, điện tử, hạt căn bản. Vàng bạc, lưu ly, kim cương so với đất cát trên mặt đất này của chúng ta khác biệt không? Không có khác biệt, hoàn toàn như nhau, cho nên chúng là bình đẳng, bình đẳng chân pháp giới. Hà cớ gì lại thành sai biệt như vậy? Ngày nay chúng ta nói là phương trình cấu tạo của chúng không như nhau, kỳ thực thì vật chất cơ bản hoàn toàn như nhau, một viên kim cương và một cục đá giá trị là như nhau. Tại vì sao một cái lại quý giá đến như vậy, một cái thì lại không đáng giá chút nào? Hai thứ như nhau, cấu tạo thì không như nhau, đem phương trình giải ra thì sẽ rõ ràng chân tướng, mới biết được cất giữ bảy thứ báu đó là bị lừa rồi. Nếu như bạn có tiền, tôi khuyên bạn vạn nhất không nên mua những thứ này, không nên tham ái những thứ đồ này, đó là ngu si. Những thứ đồ này là đồ hiếm có, hiếm có thì trở nên quý giá. Bạn càng cất giữ được nhiều thì bọn cường đạo trộm cắp sẽ lấy bạn làm mục tiêu, đem lại cho bạn không phải là hạnh phúc mà là tai họa. Học Phật phải học trí tuệ.

Vào năm 1977, tôi lần đầu tiên đến Hồng Kông giảng Kinh. Nhân duyên của việc lần đó đến Hồng Kông là Pháp sư Thánh Hoài (Pháp sư Thánh Hoài hiện tại vẫn còn) và cư sĩ Tạ Đạo Liên mời tôi đi đến Hồng Kông giảng Kinh. Thời gian đi lần đó khá lâu, tôi đã giảng “Kinh Lăng Nghiêm” hết 4 tháng. Có một hôm, cư sĩ Tạ Đạo Liên phát tâm muốn mua một cái đồng hồ cúng dường cho pháp sư. Tôi cũng nhận lời tiếp nhận, khó từ chối hảo ý ấy của bà. Bà đã đưa tôi đi một chuyến để xem để chọn. Cũng được thôi, tôi cùng bà đi một chuyến. Đầu tiên đi đến ngân hàng của bà, xem những thứ vàng bạc châu báu ở trong tủ bảo hiểm của bà dưới tầng hầm của ngân hàng. Có hai cái rương nhỏ, cũng không lớn lắm, bà mở ra cho tôi xem thử. Sau khi tôi xem xong, tôi nói: “Bà thật là đáng thương”. Bà nói: “Pháp sư! Ngài nói sao chứ?”. Tôi nói: “Bà chỉ có một chút vậy thôi sao?”. Bà bảo tôi đến xem. Tôi nói: “Cái này không đáng xem chút nào”. Sắc mặt của bà liền trở nên rất khó coi: “Lẽ nào pháp sư Ngài lại có nhiều hơn cả tôi à?”. Tôi nói: “Tôi có quá nhiều quá nhiều, không thể tính đếm, không có cách nào để ước lượng”. Bà nói: “Ở đâu vậy?”. Tôi nói: “Bà hãy nghĩ xem, những thứ vàng bạc châu báu này của bà, bà không dám đeo  trên tay, vì Hồng Kông có một số bọn cướp sẽ chặt tay của bà, quá nguy hiểm. Bà cũng không dám cất giấu ở nhà, vì cất ở nhà thì lại sợ bọn trộm vào nhà trộm mất, sợ bọn cướp vào nhà cướp. Chỉ còn cách để ở trong cái rương bảo hiểm, mỗi một tuần đi đến đó để sờ sờ ngắm ngắm, vậy mà xem là của bà hay sao chứ?” Tôi nói tiếp: “Tất cả những tiệm vàng trên thế giới này đều là của tôi. Tôi đến, kêu họ lấy ra. Tôi cầm cầm ngắm ngắm, rồi đưa họ cất kỹ cho tôi. Vậy không phải đều là của tôi rồi sao?”. Bạn nói xem người đó ngu si đến mức độ nào, thật sự không có trí tuệ. Tạ Đạo Liên năm kia đã qua đời rồi. Người không giác ngộ thì còn cách nào chứ? Cất giữ những thứ này, lúc ở trên tay sờ sờ vẫn có một chút cảm xúc, hiện tại có rất nhiều người gửi tiền trong ngân hàng, ngay đến tờ tiền cũng không nhìn thấy, mỗi ngày nhìn thấy những gì? Là những con số ở trên giấy tờ, so với châu báu kia còn giả tạo hơn, vẫn không bằng, châu báu còn có thể sờ thấy được, chữ số Ả rập thì đều không thể sờ được. Cho nên, nếu có năng lực, có cơ hội thì hãy làm nhiều việc tốt, không nên đem tiền cất giấu vào những chỗ đó, không nên đem đi mua vàng bạc châu báu, không nên làm những việc như vậy.

Phật nói với chúng ta, bạn có thể xả bỏ hết thảy, bạn niệm niệm đều xứng tánh. Tài vật ở trong tự tánh là không có cùng tận, vô lượng vô biên. Phàm phu đáng thương, đã mê mất tự tánh, cho nên tài vật ở trong tự tánh đều không lấy ra được, vậy chỉ còn cách đi làm công việc tạm thời, đi kiếm sống trải qua ngày tháng cơ cực. Phật thật sự là đã nói rất rõ ràng, rất minh bạch, chỉ cần chúng ta thật sự chịu y giáo phụng hành, buông xuống hết thảy thân tâm thế giới thì bạn được đại tự tại. Buông bỏ hết thảy, cái gì cũng không có, thì cái gì cũng không thiếu. Đây là thật chứ không phải giả. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa còn tại thế đã làm cho chúng ta thấy, chúng ta phải tin tưởng. Hiện nay thổ dân tại Úc Châu họ cũng là đang biểu diễn cho chúng ta xem. Nước Mỹ có một vị bác sĩ đi phỏng vấn họ, cùng ở chung với họ, trải qua cuộc sống bốn tháng trời, sau đó quay trở về Mỹ, nghe nói hiện tại đã viết thành ba quyển sách, giới thiệu những người hoàn toàn tương ưng với đại tự nhiên. Cuộc sống của họ quả thật sự là vui sướng tự tại, họ không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước. Tôi thấy từ trên các bài báo, cả cuộc đời của họ, xưa nay không có làm những sự việc tổn hại đến tất cả chúng sanh, ngay cả ý nghĩ cũng không có. Tại vì sao họ có thể làm được, còn chúng ta thì không? Họ còn chưa có học Phật, là người chưa có học Phật mà họ lại biết, họ có thể làm được. Chúng ta đã học Phật rồi, lại làm không được. Phật đều đã nói với chúng ta, không phải không có nói, mà nói rất nhiều, đã nói rất rõ ràng, nói rất là tường tận, chúng ta phải báo Phật ân như thế nào? Chỉ có y giáo phụng hành.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc những thứ bảy báu này, những thứ vật chất này, những phương trình thứ bậc của chúng không phải do con người làm, đều là tự tự nhiên nhiên hợp thành với mật độ cao như vậy, vẫn là có mối quan hệ với sự khởi tâm động niệm của chúng ta. Thế gian này của chúng ta phương thức sắp xếp kết cấu của vật chất là do chúng ta vọng tưởng phân biệt chấp trước, tự tư tự lợi, tham sân si mạn, những loại tư tưởng này đã cảm nhiễm, đã ảnh hưởng chúng. Tư tưởng chúng ta là làn sóng chấn động, sóng chấn động này đã quấy nhiễu đến chúng. Nếu như không có sự cảm nhiễu nào, thì duy tâm sở hiện, nhất định đều là trân bảo, là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có những loại tư tưởng không tốt này nhũng nhiễu, cho nên có thể nói, chúng là từ tâm thanh tịnh vô lậu sở hiện ra. Thế giới này của chúng ta là từ “nghiệp cảm” mà cảm ra. Cách nói như vậy là danh từ trong Phật học, người hiện tại chúng ta không dễ hiểu lắm, chúng tôi vẫn giảng là làn sóng tư tưởng làm nhiễu loạn, thì mọi người dễ hiểu hơn.

Thế Giới Tây Phương lòng người đều thanh tịnh, đều bình đẳng, cho nên nó thanh tịnh bình đẳng. Sóng chấn động tốt như vậy, tạo thành hoàn cảnh vật chất đều là bảy báu tự nhiên. Bảy không phải là con số mà là đại biểu viên mãn, Nguồn gốc của số bảy là người Trung Quốc thường hay nói bốn hướng, phía trên, phía dưới và ở giữa, đây là toàn bộ đều nói đến. Bảy là đại biểu viên mãn. Thế Giới Tây Phương bất luận là cái gì thì cũng đều viên mãn cả, đều là không thể nghĩ bàn. Chúng ta nhất định phải hiểu được “cảnh tùy tâm chuyển”, “duy thức sở biến”, “nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”. Phật đã nói cho chúng ta nghe những đạo lý lớn lao này.

“Hoàng kim vi địa”. Trên “Kinh Di Đà” đã nói với chúng ta, Thế Giới Tây Phương mặt đất là vàng. Trên thực tế, trong “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” đã nói rõ ràng, đất của Thế giới Tây Phương là lưu ly. Trên Kinh Phật nói đến Lưu Ly chính là phỉ thúy mà hiện tại chúng ta nói, là loại ngọc màu xanh trong suốt, cho nên đất ở Thế giới Tây Phương, từ trên mặt đất có thể nhìn thấy đến tâm của nó, nó trong suốt, còn trên mặt thì lát bằng vàng, dùng vàng lát đường đi. Cũng giống như ở giữa Phật đường của chúng ta có lót tấm thảm màu đỏ vậy, ở Thế giới Tây Phương làm đường đi là dùng vàng ròng để mà lót mặt đường. Chúng ta đã đọc qua ở trên Kinh, hầu hết bảy báu này là vật liệu xây dựng của Thế giới Tây Phương, nhà cửa đều được tạo thành từ bảy báu, bảy báu là vật liệu xây dựng, đại địa là lưu ly phỉ thúy, vả lại rất kỳ diệu. Bảy báu ở bên này của chúng ta vô cùng khô cứng, cho nên ứng dụng của nó đều có giới hạn. Bảy báu ở Thế giới Tây Phương thì mềm mại, cũng như những vải vóc mà chúng ta đang mặc trên người, vàng ròng cũng có thể làm quần áo để mặc, bạc trắng cũng có thể làm quần áo để mặc. Nó mềm mại, nó không có cứng, lưu ly phỉ thúy đều là mềm cả. Hết thảy pháp tùy tâm mà tưởng sanh, bên đó không cần phải chế tạo, bạn khởi tâm động niệm, vật chất ở bên ngoài tùy tâm niệm của bạn mà biến hóa. Đây là điều mà nhà khoa học mơ ước, một ngày nào đó tất cả những loại máy móc thao tác không cần phải dùng nút bấm nữa, chúng ta vừa động ý niệm thì chúng có thể nghe lời. Nhà khoa học hiện tại đều có cách nghĩ như vậy, nhưng chưa có cách nào để thực hiện. Thế giới Tây Phương đã làm được từ rất lâu rồi.

Năm xưa, lúc tôi giảng bộ Kinh này tại Mỹ, trong hàng thính chúng có rất nhiều người học khoa học kỹ thuật cao. Có năm tôi giảng Kinh tại San Francisco, trong số những thính chúng có đến 70% là học vị tiến sĩ. Tôi khuyên những vị tiến sĩ học khoa học kỹ thuật cao này hãy đi đến Tây Phương Cực Lạc Thế giới để du học, khoa học kỹ thuật bên đó mới là đỉnh điểm, là tột đỉnh, khoa học kỹ thuật bên này của chúng ta còn rất non nớt so với họ, cần phải đi đến Thế giới Cực Lạc để du học. Phật A Di Đà là nhà khoa học vĩ đại nhất ở trong vũ trụ này, có thể đem tất cả vật chất tùy tâm ý muốn mà biến hóa, không cần phải đi lao động.

“Khoáng quảng bình chánh, bất khả hạn cực”.

Việc này phải nói đến lý, tâm tịnh thì độ tịnh, tâm bình thì mặt đất bình. Tâm địa bình đẳng, đại địa liền bằng phẳng. Khi đến San Francisco - Mỹ, tôi lần đầu tiên ra ngoài đi dạo bộ trên đường, khi trở về, tôi liền nói với một số đồng tu là nơi này không thể ở được. Nguyên nhân là gì? Nơi này lòng người vô cùng bất bình. Họ hỏi tại vì sao? Bởi vì đất không được bằng phẳng, đất ở San Fransisco không bằng thì lòng người sao có thể bằng phẳng? Lòng người bất bình thì tai nạn gặp phải sẽ là động đất, lòng tham sẽ chiêu cảm thủy tai nạn lụt, sân hận sẽ chiêu cảm nạn lửa, ngu si thì chiêu cảm lấy nạn gió, cho nên không thể nói là tai hại tự nhiên không có liên can gì với việc chúng ta khởi tâm động niệm, vậy thì sai rồi. Ở trên Kinh Phật nói “y báo tùy theo chánh báo chuyển”, câu nói này làm sao nói cho được thông? “Nhất thiết pháp tùng tâm tưởng sanh”, làm sao có thể nói cho thông? Cho nên hoàn cảnh y báo cùng với những chúng sanh cư trú tại địa phương đó có một mối quan hệ mật thiết. Đây chính là chúng ta dùng lời của các nhà khoa học ngày nay mà nói, chúng sanh hữu tình cư trú tại địa phương này khởi tâm động niệm đã phát ra ngoài làn sóng tâm, sức mạnh của làn sóng tâm còn lớn hơn cả sóng điện từ.

Vậy chúng ta hãy xem, ở Úc Châu không có núi cao, có núi nhưng núi không cao, hầu hết đều là đồng bằng. Chúng tôi đi đến đó vừa nhìn thấy, như trên Kinh vừa nói đến, địa phương này đất bằng phẳng thì lòng người sẽ công bằng. Đất Úc Châu rộng, người thì ít, diện tích đất đai bên đó gần bằng với của Trung Quốc đại lục, gần bằng với Mỹ, rộng đến như vậy. Trung Quốc đại lục có một tỉ ba trăm triệu người, Úc Châu có diện tích lớn tương đương mà chỉ có 19.000.000 người, rất ít người, cho nên con người cũng rất hiền hòa. Bởi vì người quá ít, nên người và người gặp nhau đều rất thân thiện, không có cạnh tranh, điểm này rất khó. Thế giới hai lần đại chiến, Úc Châu không bị ảnh hưởng. Lòng người đến hiện nay có nếp sống vẫn rất lương thiện, đại khái trước mắt là một chốn Tịnh Độ cuối cùng trên địa cầu này của chúng ta, cho nên người Úc Châu vô cùng trân quý. Tuy rằng họ có tài nguyên, khoáng sản rất phong phú, nhưng họ không chịu khai thác. Vì sao vậy? Vì sợ phá hoại đi hoàn cảnh sống hiện tại, cho nên vẫn cứ là đất nước nông nghiệp. Người nông dân của họ đều rất là giàu có. Người Trung Quốc nghe đến nông dân thì nhất định là rất bần hàn, ở Úc thì đều là phú nông cả. Tôi cũng sống tại một vùng quê của Úc. Hàng xóm của tôi đều là nông dân. Họ không những có hoàn cảnh cư trú vô cùng thoải mái, mà còn có rất nhiều nông dân đều có máy bay nhỏ của riêng mình, lúc hỏi ra thì đều là những phú nông triệu phú cả. Người dân của họ ít, diện tích trồng trọt thì lại rất lớn, hoàn toàn dùng cơ giới hóa, cho nên nông dân nhất định phải có máy bay, dùng máy bay để gieo hạt, dùng máy bay để phun thuốc nông dược. Phân lượng dùng nông dược của họ rất ít, cho nên sản phẩm nông nghiệp của họ vô cùng phong phú, bán đến các nước và khu vực trên toàn thế giới, họ đều là phú nông. Rất nhiều rau quả ở Singspore đều là nhập khẩu từ bên Úc Châu qua. Tôi đã tham quan nông trường của họ, đã tham quan vườn rau của họ. Cho nên, ở trên Kinh Phật nói những lời này, chúng tôi đã đi du ngoạn khắp nơi trên thế giới, quan sát rất tỉ mỉ, đem đối chiếu với Kinh Phật thì rất là thú vị.

Hôm qua có ba vị bên tờ tạp chí Từ Bi của Malaysia đến đây để phỏng vấn, tổng cộng đã hỏi tôi bốn vấn đề. Tôi đã dùng nửa giờ đồng hồ để giải đáp cho họ nghe. Bốn vấn đề đó, điều thứ nhất là hộ sanh, điều thứ hai là phóng sanh, điều thứ ba là tự sát, điều thứ tư là phá thai, hỏi tôi bốn vấn đề này. Sau cùng nói đến phá thai, sự việc này tôi rất chú ý. Bởi vì mỗi lần tôi đến một nơi nào, tôi xem địa phương đó, xã hội có an định hay không, xã hội có vấn đề hay không, thì tôi xem từ gia đình. Trong gia đình thì xem từ chỗ nào? Xem từ vợ chồng. Nếu như nơi này tỉ lệ ly hôn rất cao thì xã hội nơi này động loạn, xã hội nơi này có vấn đề, không thích hợp để ở. Nếu như tỉ lệ ly hôn nơi này rất thấp, thì xã hội nơi này sẽ tốt, xã hội ở địa phương này an hòa lợi lạc, chúng ta có thể xem xét xây dựng đạo tràng ở tại nơi này, có thể xây dựng sự nghiệp ở tại địa phương này. Cho nên phải lựa chọn. Hiện nay mọi người nói là phong thủy, chúng ta không cần phải tìm thầy phong thủy để đến xem phong thủy, chúng ta lựa chọn cái gì? Sông núi tươi đẹp, đất đai bằng phẳng, người dân hiền hậu, con người với nhau có lòng yêu thương, đôi bên tôn trọng lẫn nhau, đôi bên hợp tác lẫn nhau, gia đình hòa thuận. Đây là căn bản nhất, đây là tiêu chí để cho chúng ta chọn lựa. Tôi tại vì sao không chọn ở những nơi thành thị? Thành thị lớn vô cùng không thích hợp để tu tâm dưỡng đạo. Vì sao vậy? Mê hoặc quá nhiều, có mấy ai chống lại được sự mê hoặc chứ?

Pháp sư Vĩnh Tinh tại Hồng Kông đã mấy lần mở Phật Học Viện đều không thành công. Tôi đã đi thăm ông. Ông nói với tôi không có cách nào, học sinh chiêu sinh được hai tháng thì đã bị xã hội mê hoặc đi mất, đi theo danh văn lợi dưỡng, không chịu học hành. Học hành rất vất vả, ở Hồng Kông làm Kinh sám, làm Phật sự, mỗi một tháng ít nhất cũng kiếm được hai - ba mươi ngàn đô tiền Hồng Kông. Họ nhìn thấy có lợi nhuận lớn đến như vậy, họ liền qua bên đó kiếm ít tiền xong rồi lại quay trở về Trung Quốc, họ liền biến thành phú tăng, cho nên Phật Học Viện đều bị thất bại. Tôi nghĩ, sự việc này Cục trưởng Diệp Tiểu Văn biết rõ. Ông đến Singapore để xem thử. Singapore cũng là một nơi phồn hoa, xem chúng ta mở lớp bồi huấn này, ông có một lần hỏi tôi: “Pháp sư, Ngài quản lý học sinh như thế nào? Ở một nơi phồn hoa thế này, Ngài quản học sinh thế nào để không bị dụ hoặc?”. Tôi nói: “Tôi đâu cần quản, quản thì rất nhọc lòng, quản họ để làm gì?”. Ông rất kinh ngạc. Tôi nói với ông, tôi đã đặt ra cho các học trò rất nhiều bài khóa, nếu họ chăm chỉ làm những bài tập ấy, người ta mời họ đi ra ngoài chơi họ cũng không dám đi. Vì sao vậy? Họ mà đi chơi một ngày trở về sẽ không thể đuổi kịp bài khóa, hai tuần cũng không theo kịp nổi, cách của chúng tôi ở đây là đành mời họ về nước, cho nên không thể không chăm chỉ. Đương nhiên chúng ta lựa chọn hoàn cảnh càng thanh tịnh càng tốt, cho nên xây dựng một ngôi trường, tại Úc Châu trường học hơn một nửa đều được xây ở trong rừng, dù cho thành phố thì cũng là nằm ở vùng ngoại ô. Ở trong rừng thì hoàn cảnh vô cùng tốt đẹp.

Đạo tràng Phật giáo chúng ta nên phải giữ một khoảng cách nhất định đối với các thành thị. Với tình trạng giao thông hiện nay, có thể giữ khoảng xa chừng nửa giờ đi xe là lý tưởng nhất. Xây dựng ở vùng thôn quê thì tốt, xa thành phố thì đối với việc tu hành dưỡng đạo của chúng ta có lợi ích rất lớn.

Chỗ này tổng kết là: “Vi diệu kỳ lệ, thanh tịnh trang nghiêm”. Diệu nghĩa là rất khó tưởng tượng, không thể nghĩ bàn. “Vi diệu”, diệu ở trong diệu thì gọi là vi diệu. “Kỳ lệ”, lệ là đẹp đẽ, “kỳ” nghĩa là đặc biệt, sự đẹp đẽ này cũng không phải là việc mà người thông thường chúng ta có thể hình dung ra được, không phải ngôn ngữ văn tự có thể hình dung ra được. “Thanh tịnh trang nghiêm”, câu nói này vô cùng quan trọng, thanh tịnh là vĩnh viễn rời xa ô nhiễm, trang nghiêm chính là có đầy đủ vô lượng đức năng, đây chính là cảnh giới biến hiện ra từ trí tuệ và tâm thanh tịnh, trang nghiêm Phật sự. Cổ đức nói, năng sanh chính là tâm thanh tịnh; sở sanh, sở biến hiện ra là y chánh trang nghiêm, vậy thì sao có đạo lý không thanh tịnh. Nói cho cùng thì vẫn là ở tại tâm thanh tịnh, nguồn căn là ở tại tâm thanh tịnh. Cho nên, đề Kinh gọi là “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác”, đây là nhân; một nửa ở phía trước là “Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm”, đó là quả. “Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm”, cái quả này đến từ đâu vậy? Là từ “Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác” mà biến hiện ra.

Thế gian này của chúng ta tại vì sao lại biến thành hiện trạng như ngày nay? Chúng ta suy nghĩ thì sẽ rõ, trên thế giới hiện tại, lòng người cực kỳ không thanh tịnh, ác trược đến cùng cực, ác trược khiến người ta khiếp sợ, cho nên Y báo và Chánh báo là tràn đầy nguy cơ. Những tôn giáo khác, chúng ta nhìn thấy trong “Thánh Kinh” của Ki tô giáo, của Thiên Chúa giáo, trong “Kinh Koran” của Islam giáo đều nói đến ngày tàn của thế giới. Hiện tại chúng ta xem xem, lòng người trong xã hội này phảng phất điềm dự báo cho ngày tàn thế giới, đại kiếp nạn thiên tai nhân họa sẽ hơn bao giờ hết. Chỉ có một số ít người chân chánh giác ngộ, dù cho chúng ta không thể giúp đỡ xã hội đại chúng, ít nhất cũng có thể giúp được mình vượt qua những kiếp nạn này an toàn chắc chắn. Phật pháp đã giúp đỡ cho chúng ta rất nhiều. Từ đây cho thấy, không thể không học Phật, đặc biệt là ở trong thời buổi hiện nay của chúng ta, không thể không học Phật, không thể không chăm chỉ học Phật. Bản thân chúng ta đi lên cái lối thoát này, sau đó thì toàn tâm toàn lực giúp đỡ xã hội đại chúng. Chỉ cần bản thân chúng ta phát cái tâm cho thuần chánh thì sẽ có cảm ứng, sẽ tự nhiên cảm ứng được sự hộ niệm của chư Phật Bồ Tát, sự gia trì của chư Phật Bồ Tát, cũng tự nhiên mà cảm ứng được đến rất nhiều nhân sĩ có thiện tâm trên thế giới này, chúng ta đồng tâm hiệp lực để làm công việc cứu vãn kiếp nạn. Bắt đầu làm từ đâu? Thế xuất thế gian tất cả pháp đều phải từ con người mà làm. Nếu không có một lượng lớn nhân tài hoằng pháp, thì Phật pháp tuy tốt mà không có ai giới thiệu, mọi người không biết, cho nên tất cả phải bắt đầu từ việc bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta đi đến Singapore gặp được duyên phần thù thắng như vậy. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên tổ chức lớp bồi huấn nhân tài hoằng pháp, đây là một sự bắt đầu. Tuy là sự huấn luyện thời gian ngắn hạn, khóa thứ năm cũng vừa mới tốt nghiệp, cũng đã cho chúng ta tràn đầy lòng tin, đã cổ vũ chí nguyện của chúng ta. Tiếp theo chúng ta phải hết sức chăm chỉ nỗ lực đem sự việc này làm cho tốt, hy vọng có thể hóa giải được kiếp nạn này, hy vọng có thể trì hoãn lại cái tai nạn này. Nếu như thế gian này của chúng ta, lòng người đều bình đẳng, lòng người đều hướng thiện, thì thế giới này của chúng ta cũng sẽ biến thành Thế giới Cực Lạc. Thành hay bại là do người. Xin mọi người cùng nhau nỗ lực.

Tốt rồi! Hôm nay chỉ giảng đến đây thôi.

A Di Đà Phật…

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 251)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 235


Hôm nayHôm nay : 49226

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 874455

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 44743186

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.