Lấy giáo dục hoằng dương Phật pháp. Lấy giảng giải bồi dưỡng nhân tài. Lấy từ bi lợi ích xã hội. Lấy chân thành phát triển giao lưu. Lấy chuyên tu cầu sanh Tịnh Độ.

Trang chủ »Pháp ngữ »Kinh Vô Lượng Thọ

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 230)

Thứ năm - 07/01/2016 07:27

****************

Năm xưa, lần thứ hai tôi đến đại lục, nghe nói đại lục có rất nhiều Phật học viện, nhưng đồng học ngay Phật Học Tự Điển cũng không có. Sau khi tôi nghe rồi rất đau lòng, tôi liền phát tâm muốn đem “Phật Học Đại Tự Điển” của Đinh Phúc Bảo biên soạn in mười ngàn bộ tặng cho các đồng tu của Phật Học viện đại lục. Tôi ở Hong Kong nhắc đến việc này. Hong Kong có một vị lão cư sĩ tên Hà Trạch Lôi, ông có cất giữ một bộ gốc lớn sách đóng bìa cứng, chính là “Phật Học Đại Tự Điển” của Đinh Phúc Bảo. Bộ sách này là cư sĩ Đinh Phúc Bảo chính mình dùng, còn có ấn chương riêng của ông. Ông tặng cho tôi, vô cùng quý giá, vô cùng khó được. Tôi đem bộ sách này giao cho nơi Kim Lăng Khắc Kinh, ủy thác họ in mười ngàn bộ. Sau khi in xong, bản nguyên gốc này tôi giao cho nơi Kim Lăng Khắc Kinh bảo quản, tôi không cần bảo quản. Đây là vô cùng có giá trị kỷ niệm. Nơi Kim Lăng Khắc Kinh là cơ cấu vĩnh cửu, họ cất giữ tốt hơn tôi cất giữ. Tôi ngay nhà còn không có, hôm nay dọn đến chỗ này, ngày mai dọn dến chỗ kia, nói không chừng dọn đến dọn lui cũng sẽ không còn, đó chính là có lỗi đối với người truyền pháp. Loại văn vật này phải nên đời đời truyền lại, cho nên tôi liền tặng cho nơi Kim Lăng Khắc Kinh. Đây là nói pháp bố thí, chính mình nhất định phải hiểu được.

Tôi đối với khắc bản sách trân quý. Sau khi tôi có được, nếu như tôi cần dùng, tôi nhất định phải đem nó in ra, nguyên bản thì tôi nhất định phải tìm một nơi bảo tồn vĩnh cửu thỏa đáng, tôi chính mình không cần. Nếu chính mình cần, trách nhiệm quá nặng, nhất định phải đem nó xả bỏ, tuyệt đối không cất giữ những pháp vật này. Mong muốn lưu thông lượng lớn, người nào có năng lực lưu thông, vui thích lưu thông thì tôi liền tặng cho họ. Tặng cho họ, tôi nhất định dặn bảo họ, có thể làm được hay không là việc của họ, tôi giao phó rõ ràng rồi, giao phó tường tận rồi, bản gốc tốt nhất đưa vào thư viện quốc gia cất giữ, hoặc giả là thư viện đại học danh tiếng cất giữ, một nơi nữa chính là tự viện cất giữ. Nó có tính cơ cấu vĩnh cửu, chuyên môn bảo quản, đây là chính xác. Tư nhân cất giữ, tuy rất là yêu quý, nhưng bạn không thể vĩnh viễn trụ thế, sau khi bạn chết rồi, đời sau của bạn có yêu thích hay không? Việc này chúng ta xem thấy trong lịch sử quá nhiều. Thời xưa có rất nhiều nhà sưu tập sách, khi đến con trai cháu nội thì thảy đều thất lạc hết, những điển tích này đều thất lạc, đều thất truyền, việc này thật đáng tiếc. Cần phải tìm đến cơ cấu vĩnh cửu, trong đó có người chuyên môn phụ trách bảo quản, cất giữ. Tôi đều có giao phó, chúng ta không nên bảo quản. Họ có thể làm được hay không, nhân quả chính họ phải gánh lấy. Giống như Pháp sư Đàm Thiền bên đây vậy, nhân quả chính mình gánh lấy, tôi đã giao phó rất rõ ràng rồi, nhân quả của tôi nói tường tận rồi, giao cho bạn rồi, bạn gánh lấy; trách nhiệm hay không, không liên quan với tôi nữa. Nếu bạn trái nhân quả, bạn sẽ bị quả báo. Cho nên giao phó rõ ràng, giao phó tường tận, chân thật buông xả rồi. Pháp vật này lưu thông rộng lớn, lợi ích chúng sanh rộng lớn, đây mới có thể khai trí tuệ, mới có thể tích phước đức, “tích công bồi đức”.

Quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh sống lâu. Trong “vô uý”, sự việc thứ nhất chính là phát tâm hoằng pháp lợi sanh, việc này phải đại vô úy bạn mới có thể làm được. Sự việc hoằng pháp lợi sanh dốc sức mà làm. Giống như các vị đồng học hiện tại ở chỗ này, tôi nghe nói có một số đồng tu rất dụng công, buổi tối đến hai ba giờ khuya mới đi ngủ, sáng sớm thức dậy còn phải công phu sáng. Đây là thuộc về vô úy bố thí. Vì sao ta phải khổ như thế này? Lao tâm lao lực là vì Phật pháp, là vì lợi ích chúng sanh, họ không phải vì chính mình, đây là thuộc về vô úy bố thí. Hy vọng chính mình sớm một ngày học thành công, có thể đem chánh pháp giới thiệu rộng lớn cho đại chúng. Quả báo của bạn được khoẻ mạnh sống lâu.

Người học Phật, nhất là người xuất gia học Phật, không luận là bạn phát nguyện hoằng pháp hoặc giả là phát nguyện hộ pháp, ba loại bố thí này đều đầy đủ. Tuy bạn không dùng tiền tài, nhưng dùng thể lực, nội tài bố thí; ta ở đạo tràng nhiệt tâm vì đại chúng phục vụ, chăm sóc đại chúng là nội tài bố thí. Trước tiên chúng ta chính mình phải biết rõ chính mình, cái điểm này quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Việc thứ nhất phải có “tự tri chi minh”, trước tiên phải làm rõ chính mình, phải nhận biết chính mình, ta là thuộc về nhân tài hoằng pháp hay là thuộc về nhân tài của hộ pháp. Nếu như ta là thuộc về nhân tài hoằng pháp, mà ta phải đi làm hộ pháp thì thật đáng tiếc. Giả như ta là thuộc về hộ pháp, mà ta lại đi làm hoằng pháp thì hoằng không được tốt. Nhất định phải nhận rõ chính mình.

Người hiện tại có quan niệm sai lầm, cho rằng hoằng pháp cao hơn hộ pháp, kỳ thật sai rồi. Hộ pháp cao hơn hoằng pháp. Lời nói này không phải tôi nói, mà Thế Tôn nói trong “Kinh Niết Bàn”. Người hoằng pháp không khó, người hộ pháp rất khó. Người hoằng pháp là Bồ Tát, người hộ pháp là Phật, chỉ có Phật mới chân thật yêu thương Bồ Tát, thành tựu Bồ Tát, chăm sóc Bồ Tát. Nếu bạn phát tâm đi con đường hoằng pháp, nghiên cứu Kinh giáo không khó, thông thường thì ba năm là có thể xuất sư, chính mình có thể lên đài giảng, mười năm thì sẽ có thành tựu nhỏ. Thế nhưng bạn đến chỗ nào để giảng? Vậy thì phải nhờ hộ pháp. Chúng ta cũng khó nhọc khổ cực học qua Kinh giáo, đến Singapore, nếu như không có Lý Mộc Nguyên hộ pháp, chúng ta có bản lĩnh bằng trời cũng không cách gì khởi được tác dụng. Không có người cung cấp đạo tràng cho bạn giảng, không có người hộ trì bạn, bạn phải làm sao? Việc này giống như bạn có học vấn, có đạo đức, bạn là một lão sư rất tốt, phương pháp giáo học cũng cao minh, nhưng không có trường học mời bạn, không có một hiệu trưởng hiền minh chịu dùng bạn thì bạn có cách nào?

Hộ pháp là hiệu trưởng, hộ pháp là đổng sự trưởng trong trường học không cần phải lên lớp, họ có quyền lực cho mời lão sư. Cho nên công đức giáo hóa một phương là ai? Là ông chủ ở đây. Cho nên các vị phải nên biết, chúng ta ở nơi đây ba năm hoằng pháp lợi sanh thành tựu, công đức là ai? Là Lý Mộc Nguyên. Ông ấy là hiệu trưởng, là ông chủ, chúng ta là người phục vụ, chúng ta là người làm việc cho ông ấy. Ông ấy là hiệu trưởng, chúng ta là giáo viên. Chúng ta phải rõ ràng tường tận, công đức là ông ấy. Các vị phải tường tận, công đức của hộ pháp không thể nghĩ bàn, cao hơn gấp mười lần so với người hoằng pháp. Cái hóa đơn này tính như thế nào vậy? Đến sau cùng khi tính hóa đơn, Lý Mộc Nguyên cao hơn ta rất nhiều. Ta chính mình rõ ràng, việc này là như vậy, quyết không nên ấm ức. Việc này là lý đương nhiên, phải là như vậy. Ông ấy là hiệu trưởng, công đức giáo hóa một phương này là thuộc về ông ấy, tuyệt đối không phải tôi. Các vị đồng tu đều phải rõ ràng.

Hoằng hộ phải phối hợp, hay nói cách khác, bạn làm hội trưởng của học hội, làm Lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm, làm một phương trượng trụ trì của tự viện, nếu bạn không mời pháp sư đến giảng Kinh nói pháp, tội lỗi của bạn rất nghiêm trọng. Bạn ở chỗ này thành lập một trường học, bạn là đổng sự trưởng của trường học, là hiệu trưởng của trường học, bạn không chịu mời pháp sư đến dạy học thì bạn có tội. Bạn mời lão sư giỏi đến dạy học, công đức là của bạn. Công và lỗi đều ở bạn. Hoằng pháp lợi sanh, như chúng ta làm pháp sư ngày ngày giảng Kinh nói pháp, chúng ta có công thì công không lớn, có lỗi thì lỗi cũng không lớn, công và lỗi đều không lớn. Chỉ có người làm trụ trì, làm hội trưởng, công và lỗi của họ đều là rất lớn. Làm tốt thì lập đại công, làm không tốt thì ghi đại lỗi. Việc này chúng ta phải nên biết rõ. Cho nên tôi thường hay khuyến khích, hộ pháp quan trọng nhất là phải có phước báo, hoằng pháp quan trọng nhất là phải có trí tuệ. Như chúng ta có chút trí tuệ, không có phước báo, cho nên rất thích hợp làm giáo viên. Có phước báo, trí tuệ có kém một chút cũng không cần lo, họ có phước báo lớn, họ có thể làm ông chủ, họ có thể làm hộ pháp. Hộ pháp quan trọng nhất là có phước báo, họ mới có thể lãnh đạo một phương. Thảy đều phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận, bạn mới biết được Bồ Tát đạo làm thế nào để tu. Cho nên, đồng tu chúng ta chính mình phải biết rõ chính mình. Trong đời quá khứ tu phước báo nhiều, ở nơi đây mời bạn làm trụ trì, ở nơi kia mời bạn làm phương trượng, vậy tốt. Như tôi cả đời không có cái mạng này, cả đời đều là gởi nơi nhà người, không có phước báo. Chúng ta chính mình rất rõ ràng, rất tường tận. Cho nên, nhất định phải phát huy sở trường của chính mình. Chúng ta là một nhân tài của giáo viên thì cố gắng làm giáo viên. Bạn là một người có thể làm phương trượng trụ trì thì bạn nên cố gắng làm phương trượng trụ trì, cho mời những pháp sư tốt đến thường trụ ở đạo tràng để giảng Kinh nói pháp, giúp đỡ bạn, hỗ trợ bạn ở đạo tràng này xây dựng đạo phong, xây dựng học phong, hoằng hóa một phương. Sự hưng suy của Phật pháp là ở người, không có người thì đạo liền suy. “Người có thể hoằng đạo, đạo không thể hoằng người”, nhất định phải hiểu cái đạo lý này. Quyết định không nên đố kỵ đối với nhân tài. Nếu như đố kỵ chướng ngại, đời sau bị quả báo ngu si. Nếu như chính mình có thể yêu thích nhân tài, giúp đỡ nhân tài, đề bạt nhân tài, phước đức đời sau không thể nghĩ bàn, bạn ở nhân gian là vua người, bạn ở trên trời là vua trời. Hay nói cách khác, tu thiện hay tạo ác đều ở một niệm. Một niệm giác, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm đều là đang tích công bồi đức. Một niệm mê, đó toàn là đang tạo nghiệp. Việc này không thể không biết. Chúng ta học Phật là học cái gì, tu hành là tu cái gì, nhất định phải hiểu được.

Mỗi niệm phải hướng thiện, phải tương ưng với thiện, vậy thì đúng. Mỗi niệm vạn nhất không nên tương ưng với ác. Cho dù chúng ta không có cách gì vãng sanh, không ra khỏi sáu cõi, chúng ta mỗi niệm tương ưng với thiện pháp, chắc chắn sanh ba đường thiện. Nếu như mỗi niệm còn có ác ý, thì bạn chắc chắn không thể tránh khỏi ba đường. Đạo lý này phải hiểu, sự thật phải thấy rõ ràng, phải thấy tường tận, tự cầu đa phước. Vận mạng của mỗi người chính là mỗi người tạo nhân cảm quả. Sự việc chính là như vậy, tuyệt đối không phải ở người khác thao túng, có quỷ thần đang chủ tể, đó đều là thuộc về mê tín, trong Phật pháp không có. Phật pháp nói kiết hung họa phước của một người là do nghiệp thiện ác của họ chiêu cảm, là tự làm tự chịu, cho nên mới xem trọng việc tu hành.

Tu hành phải tu Bồ Tát hạnh. Bồ Tát hạnh là gì? Bồ Tát là tiếng Phạn, ý nghĩa là “giác ngộ”. Giác ngộ, ý nghĩa này trong văn tự vào thời xưa chúng ta chính là “học”. Các vị mở tự điển ra xem, cái chữ “học” này giải thích thế nào? “Học” là ý nghĩa của giác. Cho nên, Phật pháp là giáo dục, Phật pháp là giáo học. Vĩnh viễn không gián đoạn học tập, đây là Bồ Tát hạnh, không có bờ mé, đời đời kiếp kiếp từ sơ phát tâm đến Như Lai quả địa, vô lượng kiếp, ngày ngày đều đang tu hành, đều đang học tập, tuyệt đối không có lúc ngừng nghỉ. Đến được Như Lai quả địa rồi, gọi là thừa nguyện tái lai, phổ độ chúng sanh. Dùng cái gì để độ? Dùng giáo học, chính mình phải làm dáng vẻ học thành cho người khác xem, cho nên vẫn là không ngừng đang học tập, vĩnh viễn đang học. Chúng ta phải có thể thể hội được tinh nghĩa của cái tầng này. Chúng ta giảng Kinh nói pháp cho người khác nghe chính là làm ra dáng vẻ học tập cho người khác xem. Nếu như bạn chỉ nói mà không có chăm chỉ học, thì bạn nói người khác không tin tưởng, người ta cho rằng đây là giả, bạn đang lừa gạt người. Ta thật đang học, học rồi đích thực đạt được lợi ích, đạt được chỗ tốt, ta đem chỗ tốt mà ta học được cùng phân hưởng với mọi người, cùng cộng hưởng với mọi người, họ mới tin tưởng, họ mới vui vẻ tiếp nhận, họ mới chịu học tập. Đạo lý chính ngay chỗ này. Do đó, Kinh không thể không đọc.

“Kinh” là gì? Kinh là sách giáo khoa trong giáo học của Phật giáo. Ngày nay chúng ta ở trong rất nhiều khóa mục, chọn ra một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này, dùng đạo lý phương pháp của bộ Kinh điển này để tu sửa cách nhìn, cách nghĩ, cách nói, cách làm sai lầm của chính chúng ta, lấy cái này để làm tiêu chuẩn. Tư tưởng kiến giải ngôn hạnh của chúng ta tương ưng với tiêu chuẩn này, vậy thì chính xác. Đây là tư tưởng của Phật Bồ Tát, kiến giải của Phật Bồ Tát, ngôn hạnh của Phật Bồ Tát. Chúng ta học Bồ Tát hạnh, nếu như tư tưởng ngôn hạnh của chúng ta không tương ưng với Kinh điển đã nói, chúng ta chính mình sai rồi. Cho nên mỗi ngày đọc.

Đọc Kinh dụng ý ở chỗ nào? Không phải đọc cho Phật Bồ Tát nghe. Bạn cho rằng đọc thêm vài biến, A Di Đà Phật sẽ hoan hỉ, vậy thì bạn sai rồi. Đọc Kinh tụng Kinh là đối chiếu khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm của chính mình, công đức này thì rất lớn. Tích công bồi đức. Tâm hạnh của chính mình tương ưng với Kinh điển, hoan hỉ, phải nghĩ làm thế nào gìn giữ không nên để mất. Nếu tâm hạnh không tương ưng với Kinh luận đã nói thì phải cải đổi tự làm mới, đây chính là sám hối nghiệp chướng. Đọc Kinh như vậy mới gọi là tu Bồ Tát hạnh, mới gọi là tích công bồi đức. Cho nên Kinh điển không phải đọc cho Phật Bồ Tát nghe, không phải đọc cho người khác nghe, mà là chính mình phải tu Bồ Tát hạnh, đây là tiêu chuẩn duy nhất. Nếu như chúng ta rời khỏi tiêu chuẩn này thì đến nơi nào để tu?

Chúng ta tu cái gì? Việc này phải biết. Ở ngay trong đời sống hiện tại, chúng ta nắm lấy cương lĩnh, nắm lấy chỗ thiết yếu nhất là “Tịnh Nghiệp Tam Phước”, đối người thì “Lục hòa”, “Tam học”, “Lục độ”, “Phổ Hiền mười nguyện”. Năm khóa mục này dễ dàng nhớ, dễ dàng nắm lấy. Nếu như khóa mục quá nhiều quá tạp, bạn không nhớ được, thì bạn tu bằng cách nào đây? Cho nên năm khóa mục nhất định rõ ràng, tường tận, thông suốt thấu đáo, ở mọi lúc vào mọi nơi trong tất cả cảnh duyên đều có thể đề khởi lên, làm thành tiêu chuẩn quán chiếu chính mình. Chúng ta có được công phu như vậy hay không?

Đại đức xưa dạy bảo chúng ta: “Tu hành là tu từ căn bản”. Cái gì là căn bản? Khởi tâm động niệm là căn bản. Đây là nói công phu chân thật, đây là nói công đức chân thật. Từ chỗ khởi tâm động niệm, cái công phu này phải đắc lực, tôi tin tưởng, bạn buổi tối mỗi ngày đi ngủ nằm mộng vẫn là đang tu học công đức, người xưa gọi là “ban ngày nghĩ đến, buổi tối mộng thấy”. Tâm của bạn quả thật tương ưng với Kinh giáo, bạn buổi tối nằm mộng cũng không rời khỏi cái cảnh giới này, đây chính là nói rõ bạn ngày đêm công phu đều không gián đoạn, nằm mộng cũng không gián đoạn. Nếu như ở ngay trong mộng vẫn còn nghĩ tưởng xằng bậy, còn có rất nhiều cảnh giới hiện tiền, việc này chứng minh cái gì? Bạn công phu không có lực. Công phu có lực, hiện tượng đầu tiên, chắc chắn không có ác mộng. Khi chưa học Phật thường hay thấy ác mộng. Học Phật công phu đắc lực rồi, chắc chắn không có ác mộng. Đây là cái đầu tiên khám nghiệm công phu chính mình. Hay nói cách khác, chúng ta sẽ còn thấy ác mộng, phải thường sanh tâm hổ thẹn, phải chính mình biết được công phu không có lực. Tại vì sao còn có thể thấy ác mộng? Trong mộng không thể khống chế ý thức của chính mình, tinh thần hôn tán, ý chí không thể tập trung. Ý chí tập trung thì sẽ không thấy ác mộng. Những việc này đều cần phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận.

Chúng ta ở nơi đây học Kinh giáo, không chỉ là học thuộc những văn tự này, giải thích những văn tự này, vì người khác diễn giảng những văn tự này, đây không phải học vấn chân thật. Học vấn chân thật cần thiết chính mình phải chuyển cảnh giới, sau đó chúng ta có cơ hội, giúp đỡ người khác cũng có thể chuyển cảnh giới, đây gọi là “thật học”, học vấn chân thật. Nhất định phải từ chỗ này mà hạ công phu, ngay đời này chúng ta mới không trống qua. Nói một cách rất thô thiển là, chúng ta ngay đời này đến đây mơ mơ hồ hồ, không biết được từ đâu đến, khi ra đi thì phải nên rõ ràng tường tận, biết được chính mình đi đến nơi nào, đây cũng xem là không uổng phí đã đến. Công phu chân thật có lực, có trình độ công phu tương đối, xin nói với các vị, quá khứ từ nơi nào đến, chính mình cũng sẽ rất rõ ràng, rất tường tận. Chính mình chân thật giác ngộ, ngay đời này mới chân thật gọi là có ý nghĩa, có giá trị. Thế nhưng một đời như vậy thật khó được, người xưa nói “trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp”, ở trong Phật pháp nói, thiện căn - phước đức - nhân duyên, ba điều kiện này bạn thảy đều đầy đủ, đây là điều tương đối không dễ dàng. Nếu như không tin tưởng, chúng ta có thể tỉ mỉ quán sát qua, xem thấy những người xung quanh chúng ta, nhất là người tu hành, bạn tỉ mỉ mà quán sát, bạn liền biết được không dễ dàng. Cần phải đầy đủ ba điều kiện thì công phu mới có lực, thiếu một cái thì công phu liền không có lực. Thế nhưng nếu như kém khuyết một chút có thể bổ trợ hay không? Có thể! Chỉ cần hiếu học, chỉ cần dụng công, có thể bù đắp. Thiện căn không đủ, hoặc là phước đức không đủ, đều có thể bù đắp, cái then chốt ở bù đắp này chính ở “hiếu học”. Đương nhiên nếu như nói tỉ mỉ, phải đầy đủ rất nhiều điều kiện. Thế nhưng trong rất nhiều điều kiện, tổng quy nạp lại là “hiếu học”, chân thật hiếu học, thân cận thiện tri thức. Thiện tri thức khó gặp, phải làm sao? Kinh điển là thiện tri thức, chú giải là thiện tri thức. Chúng ta học “Kinh Vô Lượng Thọ” là thân cận A Di Đà Phật, trong bộ Kinh này là Thích Ca Mâu Ni Phật cùng A Di Đà Phật hai vị Phật đã nói. Chú giải chính là thân cận thiện tri thức. Tổ sư Đại đức xưa nay vì chúng ta giảng giải, ý nghĩa của giảng giải chúng ta xem không hiểu, chúng ta xem không tròn, phải làm sao đây? Thành tâm thành ý mà đọc, “thành tắc linh”. Đại Sư Ấn Quang đã nói qua: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, mười phần thành kính được mười phần lợi ích”, có cảm ứng không thể nghĩ bàn ở ngay trong đó. Vậy thì xem chúng ta có mấy phần thành ý. Sự việc này nói ra dễ dàng, trên thực tế độ khó tương đối. Ta đối với Kinh này chân thành, ta đối với chú giải này cũng chân thành, ta đối với người khác thì không chân thành, cái thành ý này là giả, không phải là thật. Vì sao vậy? Một thật thì tất cả thật, một giả thì tất cả giả. Không thể nói tôi đối với Phật Bồ Tát là thật, đối với những người khác đều là giả, vậy thì không được, không có cái đạo lý này. Một thật thì tất cả thật. Cho nên, chân thành của bạn từ chỗ nào mà quán sát được? Người chân thật cao minh vừa nhìn liền biết được, bạn đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật là một mảng chân thành, con người này là đại khí, trong nhà Phật gọi con người này là pháp khí. Họ ở ngay trong đời này khẳng định có đại thành tựu, một cái tâm làm việc. Tôi đã nói qua phía trước, chúng ta ngày nay dùng cái tâm gì? Chúng ta học Phật nhiều năm như vậy, trong Kinh giáo đem quy nạp thành mười chữ rất đơn giản thiết yếu: “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”. Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác là đề Kinh trên bộ Kinh này của chúng ta. “Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Giác”, phía trước thêm chữ “Chân Thành”, phía sau thêm vào chữ “Từ Bi”, tổng cộng là mười chữ. Không luận đối với bất cứ người nào, đối với việc gì, đối với vật gì, trên đối chư Phật Bồ Tát, dưới đối với chúng sanh ác đạo, quyết định không thay đổi, chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi như nhau, hoàn toàn như nhau. Ta đối với A Di Đà Phật như vậy, ta đối với muỗi kiến cũng là như vậy, ta đối với người thiện cũng là như vậy, ta đối với oan gia trái chủ cũng là như vậy. Mười pháp giới thiên biến vạn hóa, nhưng nguyên tắc này của chúng ta là vĩnh viễn bất biến. Chúng ta chỉ nắm lấy cái điểm này. Biểu hiện ở bên ngoài là “nhìn thấu, buông xả, tự tại, tùy duyên, niệm Phật”. Tôi học Phật 50 năm, đã học 20 chữ này, 20 chữ này là tổng kết tôi học Phật 50 năm. Chắc chắn tương ưng thì được tự tại. Xã hội này bất an, ta an; xã hội động loạn, ta không động loạn. Cần phải ở chỗ này mà hạ công phu. Ngay trong mỗi niệm chắc chắn không có vì chính mình, vì chánh pháp cửu trụ, vì giúp chúng sanh khổ nạn phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Tại vì sao chúng ta phải làm như vậy? Ta vốn dĩ là một người mê hoặc, vốn dĩ là một người rất khổ não, tôi gặp được lão sư dạy tôi phương pháp này, tôi chân thật lìa khổ được vui, tôi phải báo ân. Tôi làm thế nào báo ân? Tôi phải giúp tất cả chúng sanh lìa khổ được vui, ngay trong đời này chỉ làm sự việc này. Sự việc này làm được rất tự tại, làm được rất an vui. Nhất định phải chăm chỉ học tập. Cho nên trong Kinh luận, cho dù giảng nhiều hay ít, nắm lấy được cương lĩnh, nắm lấy nguyên tắc, khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm không rời nguyên tắc này thì thành công. Thông đạt Kinh giáo không phải là việc khó. “Một Kinh thông, tất cả Kinh thông”, lời của người xưa nói là thật, không phải là gạt người. Cho nên, nếu chúng ta muốn thông đạt thế xuất thế gian pháp, thông đạt tất cả Kinh, dùng phương pháp gì? Một Kinh, đây là bí quyết. Các vị nghe tôi giảng “Mai Côi Kinh”, đó là ngoại giáo, nhưng tôi có thể thông, tôi tin tưởng đến chỗ của họ. Tôi cũng là thần phụ rất cao minh, tôi có thể giảng được rất rõ ràng tường tận, gọi là “xúc loại bàng thông”. Cho nên, quan trọng nhất là phải thông một Kinh. Đến trình độ nào mới thông? “Khế nhập cảnh giới” thì gọi là thông. Cái “khế nhập cảnh giới” này vẫn là không dễ hiểu. Đem Kinh này biến thành chính mình thì liền thông. Kinh này vẫn là của Thích Ca Mâu Ni Phật, bạn chưa có thông. Đạo lý trong Kinh biến thành tư tưởng kiến giải của chính mình thì tư tưởng liền thông rồi, giáo huấn trong Kinh biến thành lời nói hành vi của chính mình thì ngôn hạnh của ta thông rồi. Chỉ cần một cái thông rồi thì thảy đều thông hết.

Ngày trước lão sư Lý dạy học ở Đài Trung, tôi vô cùng cảm kích thầy. Ngày 29 tháng này ở Cổ Tấn, tôi phát khởi động thổ xây dựng Niệm Phật Đường Báo Ân. Xem thử có những đồng tu nào ưa thích đến nơi đó tham gia động thổ. Tôi dự định ngày 28 đến nơi đó ở một đêm, ngày 29 động thổ, ngày 30 quay về, ở nơi đó hai đêm. Tôi xây Niệm Phật đường này là Niệm Phật Đường Báo Ân. Tôi báo ân lão sư, cho nên ở đây có bốn cái kỷ niệm đường, có “Đại Sư Chương Gia kỷ niệm đường”, có kỷ niệm đường lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam (ngoại hiệu của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam là “Tuyết Lô”, thầy là Hòa thượng của tôi. Hòa thượng là thân giáo sư, cho nên tên của kỷ niệm đường đó là “Tuyết Lô Hòa Thượng Kỷ Niệm Đường”), tiếp theo chính là “Đông Mỹ Tiên Sinh Kỷ Niệm Đường” và “Hàn Anh Kỷ Niệm Đường”, bốn cái kỷ niệm đường. Kiến trúc là chọn lấy kiến trúc của khách sạn, tương lai kinh doanh cũng là phương thức kinh doanh khách sạn, thế nhưng không thu phí. Người ở trong đó là người niệm Phật, không thu phí, thế nhưng cũng phải nộp một ít phí ăn uống, phí phục vụ, bởi vì nó giống như khách sạn vậy. Sáng sớm thức dậy có người thay drap giường cho bạn, cần phải cho nhân viên phục vụ đó một ít tiền, cho nên phí phục vụ, phí ăn uống thì phải nộp, phí phòng ở thì không cần phải nộp. Phòng ốc chúng ta chính mình xây. Đây là báo ân của lão sư.

Giáo học của lão sư, lợi ích mà chúng ta đạt được là quá lớn. Tôi ở Đài Trung mười năm, học năm bộ Kinh, cho nên bạn mới biết được cái gì gọi là “một môn thâm nhập”. Lão sư Lý đặc biệt quan tâm đối với tôi, cho phép tôi học mười năm như vậy, mười năm học năm bộ Kinh. Tôi học bộ thứ nhất là “A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung Kinh”, học bộ thứ hai là “Phật Thuyết A Di Đà Kinh”, học bộ thứ ba là “Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm”, bộ thứ tư là “Kinh Kim Cang”, bộ thứ năm là “Kinh Lăng Nghiêm”.  “Kinh Lăng Nghiêm” là bản lĩnh trội nhất của tôi. Sau đó cả thảy Phật pháp Kinh luận Đại Tiểu thừa, tôi thảy đều không có chướng ngại, tôi đều có thể giảng. Không chỉ Phật giáo không có chướng ngại, Kinh điển của tất cả tôn giáo khác đến chỗ tôi đây đều là không có chướng ngại, tôi đều có thể giảng. Hơn nữa tôi có sự tự tin, không thể nào giảng kém hơn so với truyền giáo sư của họ. Cho nên các vị nếu muốn học cái trí tuệ này, học cái năng lực này thì “một môn thâm nhập”. Tôi quyết không lừa dối các vị, đây là tổ tổ truyền nhau, quyết không phải là lừa gạt bạn. Thế nhưng nhất định phải khế nhập cảnh giới. Không khế nhập cảnh giới thì bạn không thể nào thông. Nếu chưa thông, chướng ngại lớn nhất chính là tự tư tự lợi, cho nên tôi rất xem trọng đối với việc này, nhất định phải buông xả tự tư tự lợi. Mỗi niệm vì cả thảy Phật pháp mà nghĩ, vì tất cả chúng sanh khổ nạn mà nghĩ, bạn liền có thể được chư Phật hộ niệm, Bồ Tát gia trì. Không nên vì chính mình. Vì chính mình, đó là tai hại. Vì chính mình là tâm luân hồi. Hành vi tạo tác của bạn, ngày ngày ở nơi đây học Phật pháp, giảng Kinh nói pháp, bạn là tâm luân hồi, bạn làm vẫn là nghiệp luân hồi, không chuyển được cảnh giới.

Tối hôm nay, tôi giảng hai giờ đồng hồ chỉ có một câu Kinh văn. Chúng ta ở chỗ này cũng làm một tổng kết, tổng kết một đoạn lớn phía trước đã nói. Các vị phải nghĩ tưởng nhiều, chăm chỉ học tập, tôi tin tưởng sẽ có sự giúp đỡ đối với mọi người.

Tốt rồi, hôm nay thời gian đã hết.

A Di Đà Phật.

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH giảng giải (tập 230)

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: Khởi giảng năm 1998

Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ

Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

                                                                                                                                                                              

 

in-bottom-alt:auto; line-height:115%'>Biên tập: Ban biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Video mới nhất

Pháp ngữ mới nhất

Thống kê lượt truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 237


Hôm nayHôm nay : 23727

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1493355

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 43737499

PHÁP ÂM TUYÊN LƯU – TẬP 6

ĐỒNG TU HỎI TÔI- THẦY CÓ SỢ CHẾT HAY KHÔNG?

Có một số đồng tu hỏi tôi, hỏi thầy có sợ chết hay không? tôi nói với họ tôi không sợ chết, tôi không có khái niệm này, không hề có khái niệm sanh tử, mỗi một ngày đều là tùy duyên độ nhật, tuổi tác cũng đã lớn rồi, giảng kinh sắp giảng không nổi nữa, tôi vô cùng xem trọng người kế thừa, cho nên khi tôi 50 tuổi, thì đã rất coi trọng việc bồi dưỡng những người kế thừa, tôi có thể không giảng kinh, nhưng kinh thì không thể đoạn dứt, người có thể giảng, ưa thích giảng, tôi đều đề bạt họ, bồi dưỡng từng người từng người một. khi tôi đi rồi thì cũng sẽ có rất nhiều người giảng tốt hơn tôi, tôi rất mãn ý, hỏi tôi là có sợ chết hay không, không sợ, thật sự là không sợ, 1 chút cũng không sợ, người ta vì sao lại sợ chết? vì họ không có sự chuẩn bị. tôi thì đã chuẩn bị rất kỹ rồi, cho nên tôi không sợ chết, so với hầu hết mọi người thì không như họ, chúng tôi ngày ngày nhớ nghĩ Thế Giới Cực Lạc, niệm niệm đều là niệm A Di Đà Phật, tôi khuyên mọi người niệm Phật cầu sanh Di Đà Tịnh Độ, thì bản thân tôi sao có thể không làm? Nếu tôi không làm, thì những người học sẽ nói tôi lừa gạt họ, vậy thì tôi có lỗi với họ, Thế Giới Cực Lạc là có thật, A Di Đà Phật là có thật, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là có thật, ngày ngày đều có, mọi lúc mọi nơi đều có thể đến Thế Giới Cực Lạc. hoan hoan hỷ hỷ, Phật đã nói với chúng ta, phàm việc gì cũng đều có nhân có quả, bệnh dịch là có nhân quả, nhân là gì? tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, nói tới nói lui vẫn là tâm tưởng, đồng tu chúng ta đã học Phật rồi, vĩnh viễn không có sự lo sợ, chúng ta đi theo Thích Ca Mâu Ni Phật, tiền đồ thuận buồm xuôi gió, tiền đồ vô cùng tươi sáng, sau khi học Phật, niệm niệm cầu sanh Tịnh Độ, chúng ta rõ ràng thấu suốt đối với Thế Giới Cực Lạc, thì việc vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là thật sự nắm phần chắc chắn, hy vọng các đồng học xem nhẹ sự sanh tử, đem việc sanh tử nắm trong lòng bàn tay, không phải nằm trong tay vua Diêm La, mà nằm trong lòng bàn tay chúng ta, muốn đi là đi, muốn ở là ở, tốt, đối trước đại chúng đồng tu, cùng nhau niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, mỗi ngày đều không thiếu thời khóa, đồng tu còn sợ hãi vẫn là không ít, chúng ta hãy giúp đỡ họ, để giúp họ thì trước tiên bản thân mình không sợ, thì họ mới có thể tin, làm thế nào để giúp những đồng học còn sợ chết? đây là sứ mệnh của chúng ta, đọc kinh, đọc thuộc kinh điển, có thể chuyển sợ hãi thành không sợ, không còn sợ đạt đến mức nào? tự tại vãng sanh, vãng sanh Thế Giới Cực Lạc là chắc chắn, là thật không phải giả. Ta Bà này khổ, hà tất gì phải lưu luyến? bạn còn lưu luyến đối với Ta bà cho nên bạn mới sợ chết, không còn lưu luyến Ta bà thì mới không sợ, cho nên đối diện với trùng trùng sự bất an trong xã hội ngày nay, chúng tôi đều khuyến khích mọi người không nên sợ hãi, an vui là niệm cho thật tốt câu Phật hiệu này, A Di Đà Phật nhất định sẽ đến tiếp dẫn, không bỏ sót 1 người nào, lòng tin sẽ quyết định hết thảy, việc này rất quan trọng, mọi người đều có sức khỏe tốt hơn tôi. Phải nên dụng công, phải nên nỗ lực, nếu thấy được A Di Đà Phật ở tại Thế Giới Cực Lạc hoan nghênh chúng ta, chúng ta thấy được niềm hoan hỷ vô hạn, thì nguyện vọng của 1 đời cũng xem như viên mãn. Sống ở tại thế giới này, sống 1 ngày thì làm 1 ngày, sống 2 ngày thì làm 2 ngày, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc thì đồng học sẽ cùng A Di Đà Phật đến tiếp dẫn, cho nên việc giúp đỡ trợ niệm cho các đồng học là công đức rất lớn, ta đi đón họ, học cũng sẽ đến đón ta, tuyệt đối không uổng công, tuyệt đối không phải giả, những tin tức về bệnh dịch hiện này chúng ta không xem, niệm A Di Đà Phật thì mới thật sự là có ích, đây mới là việc quan trọng cấp bách chứ không phải là việc gì khác. Phật đến tiếp dẫn chúng ta, Bồ Tát đến tiếp dẫn chúng ta, đồng tham đạo hữu cũng đều đến tiếp dẫn chúng ta. Tin sâu không nghi, thì các ngài nhất định sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh. Khi đến tiếp dẫn thì sẽ còn náo nhiệt hơn ở hội trường này, khi đến tiếp dẫn thì cũng không nên khách sáo, phải kiên định tín nguyện, tín nguyện vãng sanh.